Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh tinh gọn hiệu quả
Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày đã nêu rõ sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.
Trong quá trình phát triển, Thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.
Bên cạnh đó, đánh giá tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách...
Ngoài ra, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn và hải đảo là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhiều Nghị quyết đã được ban hành và thực hiện hiệu quả.
“Xuất phát từ cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý nêu trên, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Mục tiêu của Nghị quyết là tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Về tên gọi của Nghị quyết, Chính phủ đề nghị xác định là “Nghị quyết của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”, áp dụng trực tiếp, lâu dài, chứ không áp dụng thí điểm, thử nghiệm trước khi tiến hành tổng kết đánh giá để áp dụng chính thức trên phạm vi rộng như đối với Hà Nội và Đà Nẵng.
Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, quy định việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ủy ban nhân dân quận; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận...
Để đảm bảo tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị quyết đã quy định một số nội dung chuyển tiếp.
Cụ thể, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì áp dụng theo Nghị quyết này.
Qua thảo luận, các đại biểu nhận định, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới đơn vị hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh là thực sự cần thiết nhằm tạo bước đột phá cho sự phát triển của Thành phố.
Vấn đề “thí điểm” hay “không thí điểm” là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận.
Một số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ là “không thí điểm” và cho rằng, trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
Kết thúc giai đoạn thí điểm, Thành phố đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm.
Trong khi đó, nhiều đại biểu đề nghị xác định tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh” với những nội dung, phạm vi như Nghị quyết đối với thành phố Hà Nội và Đà Nẵng.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề hệ trọng, liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân không chỉ ở địa bàn Thành phố mà còn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng chung của cả nước.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có diện tích tự nhiên và số lượng đơn vị hành chính trực thuộc rất lớn, đông dân nhất cả nước. Do đó, việc lựa chọn bước đi đột phá trong việc tổ chức chính quyền đô thị ở Thành phố cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ để bảo đảm tính khả thi.
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành 2 Nghị quyết về việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng. Các Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và bắt đầu triển khai mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021.
Vì vậy, sẽ khó lý giải khi trong cùng một thời điểm (từ ngày 1/7/2021) lại có 3 Nghị quyết của Quốc hội quy định về tổ chức chính quyền đô thị ở 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó 2 địa phương thực hiện thí điểm, 1 địa phương lại không thí điểm mà thực hiện ngay, tạo nên sự không thống nhất về chủ trương cũng như quá trình triển khai thực hiện vấn đề này.
Về quan điểm cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường giai đoạn 2009 – 2015 (theo Nghị quyết số 26/2008/QH12) nên dự thảo Nghị quyết này sẽ không có từ “thí điểm”, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 có những khác biệt về bản chất so với mô hình mà Chính phủ đang đề xuất áp dụng cho Thành phố.
Đặc biệt, trong khi Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng chưa được triển khai thực hiện trên thực tế, chưa được sơ kết, tổng kết thì việc trình Quốc hội quyết định áp dụng trực tiếp mà không qua thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là chưa thực sự bảo đảm cơ sở chính trị, cũng như tính thận trọng./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Chính phủ thông qua dự thảo Nghị quyết về chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh
21:10' - 03/10/2020
Chính phủ vừa thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Cà Mau đặt mục tiêu đóng góp trên 6.500MW điện gió vào hệ thống điện quốc gia
16:05'
Theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 3.607MW điện gió.
-
Kinh tế Việt Nam
Hội nghị cấp Bộ trưởng về IPEF: Các nước cụ thể hóa nội hàm hợp tác
16:02'
IPEF là khuôn khổ hợp tác kinh tế với cách tiếp cận mới, mở, linh hoạt và bao trùm, gồm nhiều nội dung được nhiều quốc gia quan tâm như chuỗi cung ứng, phi cacbon hoá, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng
-
Kinh tế Việt Nam
Đề nghị ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
15:39'
Chiều 24/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
-
Kinh tế Việt Nam
Điện Biên: Liên tiếp xảy ra sạt lở đất, đá, Quốc lộ 279 ách tắc cục bộ
13:51'
Tại tỉnh Điện Biên, trong 2 ngày 23-24/5 xảy ra mưa lớn khiến một số đoạn tuyến trên đèo Tây Trang thuộc Quốc lộ 279 đường đi Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang bị sạt lở, gây ách tắc cục bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật đất đai (sửa đổi)
13:44'
Sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
-
Kinh tế Việt Nam
Kịch bản phục hồi và phát triển hàng không Việt Nam
12:35'
Việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không là rất cần thiết và cần có sự đồng hành của các ban, ngành, nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp ngành hàng không...
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Chính phủ đề xuất kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu
12:33'
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc duy trì cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết.
-
Kinh tế Việt Nam
Bên lề Quốc hội: Cần làm rõ nhiều nội dung khi kéo dài quy định thí điểm xử lý nợ xấu
12:18'
Sáng 24/5, Quốc hội nghe Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.
-
Kinh tế Việt Nam
Cân đối bố trí đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn
11:25'
Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 đến năm 2025 tiếp tục cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.