Tổ hợp chế biến thịt lợn lớn nhất miền Bắc vào hoạt động

18:17' - 04/11/2018
BNEWS Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế - Nhà máy Biển Đông DHS đã chính thức vào hoạt động

Ngày 4/11, tại xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nam Định khánh thành tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế - Nhà máy Biển Đông DHS.

Ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Biển Đông DHS cho biết, tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế - Nhà máy Biển Đông DHS là một trong những nhà máy giết mổ lớn nhất khu vực miền Bắc được xây dựng trên diện tích gần 21ha, với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Dây chuyền giết mổ tự động, đồng bộ, hiện đại được nhập khẩu từ Hàn Quốc, có công suất 300 con lợn/giờ (trọng lượng lợn từ 100 - 150 kg/con).

Nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Biển Đông DHS sẽ được thu mua từ các trang trại trong chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Nam Định và các địa phương lân cận trong khu vực, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam xây dựng dựa trên 4 tiêu chuẩn gồm: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc, truy tìm nguồn gốc của sản phẩm.

Sản phẩm chính của Biển Đông DHS là thịt lợn đông lạnh, các sản phẩm từ thịt lợn được chế biến qua gia nhiệt.

Các sản phẩm của nhà máy được quản lý nghiêm ngặt từ một hệ thống phần mềm truy xuất áp dụng từ trang trại, nhà máy giết mổ, hệ thống phân phối đảm bảo sản phẩm sạch và truy xuất đầy đủ nguồn gốc tất cả các công đoạn.

Sản phẩm thịt sạch của nhà máy sẽ cung cấp cho thị trường trong nước qua hệ thống siêu thị, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…

Chia sẻ về triển vọng sản xuất và chế biến thịt lợn trên địa bàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Phạm Đình Nghị cho biết, Nam Định là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh.

Tổng đàn lợn toàn tỉnh duy trì thường xuyên khoảng gần 800 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 7,6 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 190 nghìn tấn/năm; trong đó, thịt lợn đạt trên 150 nghìn tấn/năm (chiếm trên 81%).

Nam Định hiện có 300 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và hàng nghìn gia trại; trong đó, nhiều trang trại được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam và được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn.

Tuy vậy, hạn chế lớn nhất đối với ngành chăn nuôi của tỉnh là thiếu các nhà máy chế biến. Sản phẩm chủ yếu chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không cao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, để khắc phục những hạn chế đó và thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Nam Định luôn quan tâm, thu hút các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp.

Việc tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế đi vào hoạt động đã đánh dấu bước phát triển mới trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Thời gian tới, cùng với việc phát huy hiệu quả các trang trại, gia trại trên địa bàn, Nam Định cũng tiếp tục hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để cung cấp nguồn nguyên liệu sạch cho nhà máy; xây dựng chuỗi liên kết nhằm đảm bảo ổn định và phát triển, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.

Các cơ sở giết mổ, chế biến, các hộ chăn nuôi trên địa bàn cam kết đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam lưu ý, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động của nhà máy, doanh nghiệp cùng với địa phương cần xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất thịt lợn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư hoàn thiện dây chuyền chế biến các sản phẩm thịt lợn để cung ứng cho thị trường, trọng tâm là xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới.

Hiện, cả nước đã có trên 800 chuỗi an toàn thực phẩm và hơn 1.500 cơ sở an toàn dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục