Tòa án Mỹ tăng tiền bảo lãnh trong vụ công dân da màu G.Floyd tử vong

10:54' - 09/06/2020
BNEWS Các điều kiện để được tại ngoại bao gồm cấm làm việc trong cơ quan thực thi pháp luật và liên hệ với gia đình nạn nhân Floyd, đồng thời giao nộp các loại giấy phép.

1,25 triệu USD là khoản tiền bảo lãnh tại ngoại đối với Derek Chauvin, cựu sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis đã đè gối lên cổ công dân da màu George Floyd khiến người này tử vong ngay sau đó.

Theo lệnh phóng thích có điều kiện do Thẩm phán hạt Hennepin Jeannice Reding ký ngày 8/6, số tiền bảo lãnh vô điều kiện đối với Chauvin đã tăng thêm 250.000 USD so với mức 1 triệu USD đưa ra trước đó, trong khi số tiền bảo lãnh có điều kiện cũng tăng lên thành 1 triệu USD từ mức cũ 750.000 USD.

Các điều kiện để được tại ngoại bao gồm cấm làm việc trong cơ quan thực thi pháp luật và liên hệ với gia đình nạn nhân Floyd, đồng thời giao nộp các loại giấy phép, trong đó có giấy phép sử dụng súng. Cựu sĩ quan Chauvin và luật sư không phản đối các điều kiện bảo lãnh này.

Derek Chauvin, 44 tuổi, bị buộc tội ngộ sát, giết người cấp độ 2 và cấp độ 3 liên quan đến cái chết của công dân da màu Floyd ngày 25/5 vừa qua. Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Minnesota Matthew Frank cho rằng, với mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc cũng như sức ép của dư luận, Chauvin nhiều khả năng sẽ bỏ trốn nếu được trả tự do, do đó việc nêu các điều kiện để được bảo lãnh là cần thiết.

Cùng ngày, tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cùng hơn 20 nghị sĩ khác đã quỳ gối mặc niệm trong 8 phút 46 giây, bằng đúng thời gian mà Chauvin đè gối lên cổ Floyd. 

Các nghị sĩ Dân chủ sau đó đã giới thiệu tại hai viện quốc hội dự luật cải tổ lực lượng cảnh sát, vốn là một trong những yêu cầu của người biểu tình trong hai tuần qua. Dự luật nhằm tạo ra một sự thay đổi về cơ cấu, theo đó bảo vệ quyền được an toàn và đối xử công bằng của mỗi người dân Mỹ.

Dự luật đồng thời tạo thuận lợi cho việc truy tố cảnh sát có hành vi lạm dụng vũ lực, cũng như xem xét lại cách tuyển dụng và đào tạo cảnh sát.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu dự luật có nhận được sự ủng hộ của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát hay không cũng như khả năng Tổng thống  Donald Trump có ký ban hành.

Ngày 8/6, Tổng thống Trump đã thông qua các biện pháp cứng rắn đối với những người tham gia biểu tình, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với cảnh sát. Ông tuyên bố cảnh sát sẽ không bị cắt giảm ngân sách và giải thể.

Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra một ngày sau khi Hội đồng thành phố Minneapolis đã bỏ phiếu thông qua quyết định giải thể và xây dựng lại sở cảnh sát thành phố này.

Các cuộc biểu tình đã xảy ra trên toàn nước Mỹ trong nhiều ngày qua sau khi một đoạn video cho thấy cảnh sát Chauvin đã đè ông Floyd xuống đất bằng cách chẹn đầu gối lên cổ trong gần 8 phút, trong khi ông này nằm sấp, bị còng tay và nói mình không thở được.

Floyd tử vong không lâu sau đó tại một bệnh viện địa phương. Nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn với các hành vi cướp phá và đối đầu với cảnh sát tại một số thành phố lớn trên khắp nước Mỹ và lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31/5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và New Zeland bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội thời kỳ dịch bệnh./.

>>>Tổng thống Mỹ muốn triển khai 10.000 quân tại thủ đô Washington

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục