Tòa án Nhật Bản yêu cầu TEPCO bồi thường liên quan sự cố rò rỉ hạt nhân Fukushima

18:51' - 02/06/2022
BNEWS Thành phố Tamura nằm ở phía Tây nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vốn bị hư hại nặng nề trong trận động đất-sóng thần hồi năm 2011.

Ngày 2/6, một tòa án ở Nhật Bản đã yêu cầu nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Fukushima số 1) bồi thường cho những người dân sinh sống tại thành phố Tamura trước đây và hiện nay vì gây tổn hại về mặt tinh thần cho họ.

Thành phố Tamura nằm ở phía Tây nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vốn bị hư hại nặng nề trong trận động đất-sóng thần hồi năm 2011.

Mặc dù số tiền bồi thường chưa được đưa ra, nhưng hiện có 545 nguyên đơn yêu cầu Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) và Chính phủ Nhật Bản bồi thường tổng cộng khoảng 6 tỷ yên (46 triệu USD), tương đương 11 triệu yen/nguyên đơn.

Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ vụ kiện chống lại nhà nước. Các nguyên đơn cho rằng họ bị tổn hại về tinh thần khi mất đi các thói quen trước đó và quan hệ cộng đồng. Họ cũng phản ánh khoản tiền đền bù trước đó 100.000 yen/tháng đến tháng 8/2012 là chưa đủ.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, tỉnh Shimane, miền Tây Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch khởi động lại lò phản ứng hạt nhân số 2 tại nhà máy điện hạt nhân Shimane thuộc Công ty Điện lực Chugoku ở thủ phủ Matsue. Lò phản ứng này cùng loại với lò phản ứng bị tan chảy tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 trong sự cố năm 2011.

Công ty Điện lực Chugoku dự kiến sẽ tái khởi động lò phản ứng này sớm nhất vào năm 2023. Nếu theo đúng kế hoạch, đây sẽ là lò phản ứng nước sôi đầu tiên ở Nhật Bản được nối lại hoạt động kể từ sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011.

Nhật Bản hiện đang dần tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân vốn bị đình chỉ hoạt động sau sự cố nghiêm trọng trên, nhưng các lò phản ứng đã được nối lại hoạt động đến nay chỉ là các lò phản ứng nước áp lực.

Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011 là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Các số liệu thống kê cho thấy thảm họa động đất-sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 15.900 người và khiến 2.523 người mất tích, chủ yếu là ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate. Bên cạnh đó, theo Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, tính đến tháng 9/2021, có tới 3.784 người khác thiệt mạng vì các nguyên nhân có liên quan tới thảm họa này như bệnh tật hoặc tự tử vì trầm cảm.

Ngoài ra, động đất và sóng thần cũng là tác nhân trực tiếp gây ra các sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản. Cho tới tháng 2/2022, vẫn còn 38.139 người chưa thể về nhà sau thảm họa này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục