Toàn cảnh giao thông trước dịp Quốc khánh 2/9 tại một số khu vực phía Nam

15:42' - 01/09/2023
BNEWS Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày (1 - 4/9) - cũng là thời điểm bắt đầu Tháng cao điểm về An toàn giao thông và bước vào năm học mới của học sinh, sinh viên cả nước.

Dự báo lưu lượng giao thông sẽ tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc. Do đó, các ban, ngành, chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

 

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (PC08), Công an Thành phố Hồ Chí Minh, người dân tham gia giao thông cần hạn chế lưu thông qua các tuyến đường, khu vực có tình trạng mật độ phương tiện đông vào những ngày đầu và cuối của kỳ nghỉ Lễ như: khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Ga Sài Gòn, khu vực Bến xe miền Tây, khu vực Bến xe miền Đông, khu vực vào Bến phà Cát Lái…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ cuối giờ chiều ngày 31/8, một số tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất như: Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện… đã xảy ra ùn tắc cục bộ. Khu vực cửa ngõ đi miền Tây là đường Kinh Dương Vương đoạn vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), dòng người đông đặc phải nhích dần từng bước một. Đặc biệt, tại nút giao An Phú trên đường Mai Chí Thọ và đường dẫn vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây, hàng nghìn phương tiện ùn ứ.

Theo Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe, lượng ô tô qua cao tốc tăng cao. Trong đó, đoạn từ An Phú đến nút giao với tuyến Dầu Giây - Phan Thiết bình quân từ 58.000 - 62.000 lượt/ngày, cao điểm tăng lên 70.000 - 73.000 lượt/ngày, vượt gần gấp đôi năng lực khai thác. Do đó, đơn vị khuyến cáo, tài xế chọn lộ trình khác, tránh bị ùn tắc dịp Lễ 2/9.

Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt lưu ý, người dân thường xuyên cập nhật tình hình giao thông qua các kênh thông tin truyền thông, ứng dụng di động, đài FM… để kịp thời điều chỉnh lộ trình di chuyển, hạn chế lưu thông vào khu vực đang ùn tắc và di chuyển theo sự phân luồng của Cảnh sát giao thông. Dịp này, tại các điểm giao thông đường thủy ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng thường xảy ra tình trạng quá tải, đông đúc phương tiện.

Trước đó, từ cuối tháng 8/2023, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản giao Trung tâm Quản lý đường thủy kiểm tra việc thực hiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sông trên địa bàn. Qua đó, yêu cầu các chủ bến, chủ khai thác bến, người điều khiển phương tiện, phương tiện vận chuyển phải được đăng ký, đăng kiểm; người lái phương tiện có chứng nhận điều khiển phương tiện. Tất cả phải bảo đảm các điều kiện an toàn, trang bị đầy đủ phao cứu sinh cho hành khách.

Tại Tiền Giang, để giải quyết điểm đen ùn tắc thời gian qua là cầu Rạch Miễu (nối tỉnh Bến Tre và Tiền Giang), lực lượng chức năng tỉnh quyết định tăng thêm phương tiện tại phà Rạch Miễu; đồng thời, tăng cường điều tiết, phân luồng tại các địa phương như: nút giao đường cao tốc, Quốc lộ 1A, khu vực Trung Lương… để kịp thời giải quyết các sự cố phát sinh.

Tại tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đề nghị, các doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh doanh vận tải tuyên truyền, giáo dục đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ thực hiện nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, không chở quá tải, quá số người quy định; không sử dụng rượu, bia, ma túy, các chất gây nghiện khác; không chạy vòng vo đón khách, sang bán khách; không vận chuyển các loại hàng cấm, hàng giả, hàng không có nguồn gốc.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cũng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với bến, bãi hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn, phương tiện thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera nhưng không lắp đặt hoặc có lắp đặt nhưng thiết bị không hoạt động hoặc không đảm bảo quy chuẩn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục