Toàn văn Thông báo Hội nghị lần hai BCH Trung ương Đảng khóa XII

19:32' - 12/03/2016
BNEWS Chiều 12/3, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Thông báo Hội nghị. Toàn văn như sau:
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

Toàn văn thông báo Hội nghị Trung ương hai:

Từ ngày 10 đến ngày 12/3/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ hai để bàn và quyết định các nội dung quan trọng: Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước để Quốc hội khóa XIII bầu hoặc phê chuẩn; và một số vấn đề quan trọng khác.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

1- Về Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và thống nhất đưa vào Chương trình toàn khóa những vấn đề quan trọng và cần thiết nhất nhằm cụ thể hóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Nội dung Chương trình toàn khóa bám sát các văn kiện Đại hội XII và các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII đã xác định nhằm tập trung giải quyết các vấn đề:

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; giữ vững bản chất cách mạng trong sáng của Đảng;

xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước;

kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế...

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tùy theo tình hình thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ xem xét, bổ sung, điều chỉnh Chương trình làm việc cho phù hợp.

2- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020.

Trên cơ sở Nghị quyết và Văn kiện Đại hội XII của Đảng, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và nhận định tình hình quốc tế, khu vực tác động tới nước ta trong 5 năm tới, chỉ rõ những thời cơ, thuận lợi; khó khăn, thách thức; Ban Chấp hành Trung ương xác định:

- Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Chủ động, tích cực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

- Tám nhóm giải pháp chủ yếu: (1) Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

(2) Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh.

(3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ.

(4) Phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế.

(5) Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

(6) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

(7) Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

(8) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Trên cơ sở Nghị quyết, Văn kiện Đại hội XII của Đảng và Báo cáo tiếp thu giải trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.

- Về Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định mục tiêu tổng quát là:

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế tài chính; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng theo các yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội; từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tiếp tục ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính, bảo đảm an toàn nợ công.

Ban Chấp hành Trung ương xác định một số chỉ tiêu chủ yếu về tổng thu, tổng chi và bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, xác định một số nhiệm vụ, giải pháp đề ra để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu trên.

Trọng tâm là hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách về tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý thu, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước phù hợp; bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi trả nợ và chi thường xuyên; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và toàn xã hội; kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý nợ công; sử dụng hiệu quả vốn vay; phát triển mạnh và nâng cao hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu, mua bán nợ... đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp với các cam kết quốc tế.

- Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Ban Chấp hành Trung ương xác định: Giai đoạn 2016 - 2020 cần tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.

Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, dự kiến kế hoạch tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 tương tương 32 - 34% GDP, trong đó, vốn đầu tư công chiếm khoảng 25 - 27 % tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Định hướng phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 phải giữ vững các nguyên tắc: Tuân thủ pháp luật về đầu tư công và quy định về phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước. Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định, phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư của nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước. Quan tâm bố trí vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững), các dự án quan trọng quốc gia...

Ưu tiên bố trí vốn cho các vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải. Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công. Dành tỉ lệ cần thiết để dự phòng xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định việc xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với Kế hoạch tài chính công trung hạn trong tổng thể Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm là bước đột phá để đổi mới công tác kế hoạch hóa phù hợp với kinh tế thị trường, nâng cao tính sát hợp, khả thi của kế hoạch đầu tư phát triển và hiệu quả đầu tư công.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp tục cập nhật, hoàn thiện Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để trình Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định.

3- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước để trình Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa XIII.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy kết quả quan trọng đã đạt được của năm 2015 và cả nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng; nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; đồng thời tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục