Tối ưu nguồn lực cho sản xuất kinh doanh khâu sau của ngành dầu khí

20:52' - 29/03/2023
BNEWS Việc tận dụng hiệu quả kinh tế chia sẻ, tập trung khai thác và mở rộng thị trường trên cùng một hệ sinh thái sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh khâu sau của ngành dầu khí.
Ngày 28/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội nghị các giải pháp tối ưu nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh khâu sau.

 
Điều hành Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên đã đề nghị các đơn vị thành viên nhìn thẳng vào thực tiễn để đưa ra giải pháp, tập trung đánh giá rõ các dư địa còn lại của năm 2023 và các giải pháp để tận dụng các dư địa đó, đồng thời lượng hóa cụ thể kết quả đạt được khi triển khai các giải pháp. 

Trong những tháng đầu năm 2023, các đơn vị khâu sau (khí, điện, đạm, lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm) đã đối mặt với nhiều khó khăn do biến động của thị trường, kinh tế, tài chính tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, giá dầu giảm so với cùng kỳ năm 2022, giá phân bón giảm sâu, nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt là nguồn khí giá rẻ. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của năng lượng tái tạo đã làm nhu cầu sử dụng khí cho sản xuất điện giảm, đồng thời việc huy động không ổn định dẫn đến số lần khởi động và ngừng nhà máy tăng đáng kể ảnh hưởng đến suất hao nhiệt và tăng tần suất xảy ra sự cố; tiêu thụ các sản phẩm không thuận lợi do khó khăn chung của kinh tế toàn cầu; thị trường kinh doanh các sản phẩm cạnh tranh gay gắt.

Tại Hội nghị, các đơn vị khâu sau trong Tập đoàn đã trình bày tham luận về các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực, tối ưu nguồn lực và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Trong đó, các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp tối ưu năng suất lao động, đảm bảo an toàn, tối ưu công nghệ, bảo dưỡng, tăng sản lượng, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy các nguồn lực sẵn có,...

Sau tham luận của các đơn vị, toàn Hội nghị đã cùng thảo luận, góp ý để bổ sung, hoàn thiện những giải pháp cho từng đơn vị, hài hòa trong hệ sinh thái, lợi ích chung của toàn Tập đoàn. Trong đó, những ý kiến góp ý xoay quanh các giải pháp để tối ưu 3 động lực chính cho tăng trưởng là sản xuất, kinh doanh thương mại và đầu tư, như: thúc đẩy tiến độ triển khai các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm; tận dụng lợi thế về vốn, thương hiệu đẩy mạnh kinh doanh, mở rộng thị phần; phát huy vai trò dẫn dắt và vị thế của Tập đoàn để hỗ trợ các đơn vị tiếp cận và đi vào dòng chảy thương mại quốc tế;…

Ghi nhận những đóng góp quan trọng của khâu sau trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị khâu sau (PV GAS, BSR, PVFCCo, PVCFC, PV Power, PVOIL, PVTrans, VNPoly, PVChem, PVNDB) tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực, động lực để tăng trưởng; tận dụng hiệu quả kinh tế chia sẻ; tập trung khai thác và mở rộng thị trường trên cùng một hệ sinh thái.

Tổng Giám đốc PVN cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp gồm: Tiết kiệm, tối ưu năng lượng tiêu thụ, nguyên vật liệu; đảm bảo an toàn, tối ưu vận hành của các nhà máy; đa dạng hóa nguyên liệu, sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới giá trị cao; tăng cường kết hợp và chia sẻ các nguồn lực giữa các đơn vi; đánh giá thị trường kinh doanh các sản phẩm, mở ra các thị trường mới; thúc đẩy các giải pháp quản trị trong đầu tư, cơ chế chính sách, quản trị biến động; rà soát xây dựng dữ liệu nhân sự kỹ thuật chuyên môn sâu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục