Tồn kho gạo của Ấn Độ cao kỷ lục

13:03' - 09/11/2024
BNEWS Lượng tồn kho gạo của Ấn Độ đã đạt mức cao kỷ lục, lên đến 29,7 triệu tấn trong tháng 11 này, gần gấp 3 lần so với mục tiêu của chính phủ.
Theo các nguồn thạo tin, nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc các biện pháp hạn chế xuất khẩu áp dụng trong hai năm qua đã làm tăng nguồn cung trong nước.
 

Việc tồn kho tăng cao sẽ cho phép Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - có thể đẩy mạnh xuất khẩu mà không lo ngại về nguồn cung nội địa. Năm ngoái, Ấn Độ đã phải hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo nhằm đảm bảo đủ lương thực trong nước.

Dữ liệu từ các cơ quan chính phủ cho thấy lượng gạo dự trữ trong các kho dự trữ quốc gia đã đạt mức 29,7 triệu tấn vào đầu tháng này, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, nông dân Ấn Độ cũng đạt được một vụ mùa bội thu với sản lượng kỷ lục 120 triệu tấn gạo từ mùa Hè, chiếm gần 85% tổng sản lượng gạo cả năm của nước này.

Khi vụ mùa mới tiếp tục được thu hoạch, dự trữ tại Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) - đơn vị chịu trách nhiệm tích trữ lương thực cho quốc gia - dự kiến sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, gây áp lực đối với quốc gia sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới trong việc lưu trữ, bảo quản. Năm nay, FCI dự kiến sẽ mua vào 48,5 triệu tấn gạo từ vụ mùa Hè, tăng so với 46,3 triệu tấn thu mua được từ nông dân vào năm 2023-2024.

Một quan chức chính phủ cấp cao cho biết: "Nguồn dự trữ gạo hiện đang ở mức rất cao, và dự kiến còn tăng lên do vụ mùa bội thu năm nay". Mùa mưa dồi dào cũng đã giúp nông dân mở rộng diện tích gieo trồng, góp phần tăng sản lượng gạo.

Năm ngoái, do tình hình thời tiết thất thường, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, năm nay, New Delhi đã cho phép xuất khẩu tất cả các loại gạo, ngoại trừ gạo tấm. Theo ông B.V. Krishna Rao, một nhà xuất khẩu, việc gỡ bỏ các hạn chế sẽ thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng tới và giúp chính phủ giảm bớt áp lực thu mua gạo từ thị trường nội địa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục