Tổng cục Du lịch nói gì về tour giá rẻ, 0 đồng

19:32' - 12/04/2017
BNEWS Vấn đề khách Trung Quốc và tour 0 đồng; cấp phép, thu hồi giấy phép các ca khúc trước năm 1975 là những vấn đề được đông đảo phóng viên báo chí đề cập tại buổi họp báo diễn ra chiều 12/4 tại Hà Nội.
Du khách tham quan chợ đêm Phú Quốc tại đảo Ngọc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Đây cũng là những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội hết sức quan tâm trong những ngày qua. Cuộc họp báo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham dự của các đơn vị chức năng thuộc Bộ.

Ứng xử thận trọng với khách đi tour 0 đồng 

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong quý I/2017, khách du lịch Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trong số này, một lượng khách đến qua đường bộ và sử dụng tour giá rẻ, tour 0 đồng. Có ý kiến cho rằng, khách đi tour 0 đồng không đem lại nhiều giá trị cho kinh tế đất nước, làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam…

Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Việt Nam chủ trương phát triển du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế và đối xử bình đẳng với tất cả các dòng khách. Trung Quốc là thị trường rất lớn của du lịch toàn thế giới, lượng khách Trung quốc đến Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước khác, cần đẩy mạnh khai thác gắn với tăng cường quản lí, hạn chế các mặt tiêu cực của thị trường này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng cần nghiên cứu và ứng xử thận trọng với thị trường này. Bởi tour 0 đồng rất đa dạng, không chỉ là tour 0 đồng như nhiều người vẫn nghĩ và có nhiều điểm biến thái. Thực chất, đây là tour giá rẻ, các đơn vị bán giá tour thấp hơn giá thành nên các doanh nghiệp lấy nguồn thu từ các dịch vụ khác để bù lỗ.

Các đơn vị bán tour với giá rẻ, hoặc miễn phí, giảm giá một số dịch vụ trong tour trọn gói sau đó lấy chi phí mua sắm, giải trí, tham quan để bù đắp cho các chi phí đã miễn, giảm giá. Hình thức tour giá rẻ này khá phổ biến ở Thái Lan, Hàn Quốc, thậm chí là Nhật Bản…, đòi hỏi các nước phải có cách thức để ứng xử với hiện tượng này.

Về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tour 0 đồng, ông Nguyễn Văn Tuấn lí giải, đó là do các đơn vị lữ hành Trung Quốc cạnh tranh nhau khốc liệt về giá.

Trong khi đó, các công ty của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu, năng lực cạnh tranh kém nên đã để các công ty lữ hành Trung Quốc thao túng, thậm chí lấy tư cách pháp nhân để điều hành hoạt động tour.

Mặt khác, công tác quản lí nhà nước về du lịch của nước ta còn nhiều bất cập, văn bản pháp luật chưa điều chỉnh được hết các hành vi liên quan đến tour giá rẻ như thế này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Tour giá rẻ, tour 0 đồng vẫn có những mặt tích cực, góp phần tăng lượng khách quốc tế, giải quyết được tính mùa vụ ở giai đoạn thấp điểm khách quốc tế.

Tour này vẫn tạo ra thu nhập, doanh thu cho các công ty, đơn vị, người dân cung ứng dịch vụ du lịch bởi khách đến Việt Nam vẫn phải mua vé máy bay, ở khách sạn, ăn uống, thăm quan và Việt Nam vẫn thu được tiền từ những dịch vụ như thế.

Thống kê của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, năm 2016, Quảng Ninh đón khoảng 700.000 khách Trung Quốc lưu trú, trong đó xấp xỉ 500.000 khách đến qua cửa khẩu đường bộ. Chỉ riêng phí tham quan và lệ phí visa, tỉnh Quảng Ninh đã thu được 300-350 tỷ đồng, tổng thu từ nguồn khách này đạt từ 900-1.000 tỷ đồng.

Nhờ đó, các khách sạn cũng tăng công suất, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương; đồng thời cũng tạo ra yêu cầu liên kết chuỗi dịch vụ cao cấp và bình dân đáp ứng nhu cầu du khách... 

Cần cả biện pháp lâu dài và cấp bách 

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Tổng cục Du lịch

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Tour giá rẻ, tour 0 đồng cũng có những biến thái, những mặt không tốt và cần phải tăng cường quản lí. Đó là hiện tượng bán tour rồi bán luôn cả đoàn khách; bán hàng lừa đảo, bán giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế.

Tour giá rẻ, tour 0 đồng cũng tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam khi các công ty lữ hành Trung Quốc nợ tiền, xù nợ; thất thu thuế cho địa phương, giao dịch ngoại tệ bất hợp pháp…

Những biến thái này của tour 0 đồng, tour giá rẻ đã làm lệch lạc, méo mó hình ảnh điểm đến của du lịch Việt Nam, đây là điều đã nhìn thấy rõ và đòi hỏi phải có những biện pháp giải quyết trước mắt và lâu dài.

Về giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về thuế và thị trường để kiểm soát tình hình, tập trung siết chặt quản lý về ngoại hối, thanh toán, chuyển tiền quốc tế của các doanh nghiệp lữ hành với đối tác nước ngoài; thanh toán ngoại tệ tại các điểm mua sắm; chống thất thu thuế và các quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn tài chính; kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa.

Các đơn vị chức năng, các địa phương có khách đi tour này cần có biện pháp xử lý tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn tài chính, trốn thuế, bán hàng cao gấp nhiều lần giá trị, công dụng thực tế để trục lợi. Các địa phương cần rà soát, phân loại, quy hoạch các điểm bán hàng cho khách du lịch; kiên quyết không để tình trạng khép kín trong các trung tâm bán hàng cho khách du lịch nước ngoài.

Việt Nam cần có một số cơ chế đặc thù để quản lý hiệu quả hoạt động đón khách du lịch qua biên giới theo hướng quản lý chất lượng dịch vụ tối thiểu, đảm bảo phục vụ khách du lịch và quản lý hoạt động của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên; kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch.

Hiệp hội Du lịch các địa phương cần phát huy vai trò trong việc gắn kết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ pháp luật về kinh doanh du lịch.

Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh cần bổ sung vào Luật Du lịch (sửa đổi) một số nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm như: Doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu mua đầu khách; tổ chức dịch vụ có tính chất lừa đảo; vi phạm những quy định về thương mại, giao dịch ngoại tệ.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần bổ sung vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch và có chế tài xử lý mạnh đối với những hành vi nói trên; nâng cao ý thức của các doanh nghiệp du lịch trong việc thực hiện quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước với Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc để thường xuyên trao đổi khách, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch của hai bên. 

Sẽ xem xét cho phép phổ biến trở lại 5 ca khúc khi xác minh được bản gốc 

Một vấn đề “nóng” khác được báo chí quan tâm nhiều là việc Cục Nghệ thuật biểu diễn mới đây đã quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 dù đã được cấp phép trước đó. Đó là các ca khúc: “Cánh thiệp đầu Xuân” (Lê Dinh - Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày Xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).

Tại cuộc họp báo, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: Cục là đơn vị cấp phép phổ biến các ca khúc nên khi xác định được chính xác các ca khúc có vi phạm, Cục được quyền tạm dừng phổ biến các ca khúc này đúng theo quy định của pháp luật.

Đây là hành động đúng đắn của Cục Nghệ thuật biểu diễn nhằm bảo vệ các quyền sở hữu của tác giả thông qua biện pháp hành chính.

Đối với 5 ca khúc bị tạm thời dừng lưu hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tiến hành thẩm định và thống nhất tạm thời dừng việc lưu hành một số bài hát đã cấp phép phổ biến để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc.

Nguyên nhân Cục tạm dừng lưu hành 5 ca khúc nêu trên là do các bài hát đang phổ biến hiện nay không khớp với bản nhạc gốc; tên tác giả/bút danh và ca từ có sự khác nhau trên cùng một tác phẩm âm nhạc. Ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” sai hẳn tên tác giả, nhạc sỹ Diên An cũng đã lên tiếng khẳng định đây không phải là sáng tác của ông…

Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết sẽ tiến hành xác minh, thẩm định các bản nhạc gốc một cách chính xác, sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phổ biến lại các ca khúc này.

Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu những bài hát đã cấp phép với bản nhạc gốc nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nội dung các bài hát, việc hoạt động sản xuất chương trình bản ghi âm, ghi hình và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.../.

>>> Tour giá rẻ, 0 đồng: Việt Nam không phải là nạn nhân đầu tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục