Tổng cục Quản lý thị trường có chức năng, quyền hạn như thế nào?

15:00' - 22/08/2018
BNEWS Bộ Công Thương xác định trong tổ chức mới của Tổng cục Quản lý thị trường phẩm chất cán bộ được quan tâm hàng đầu nhằm giúp lực lượng quản lý thị trường hoàn thành trọng trách, sứ mệnh của mình.

Với vai trò duy trì sự ổn định trật tự, áp lực đặt ra cho quản lý thị trường ngày càng lớn lao nhằm ngăn chặn các hành vi chống buôn lậu, gian lận thương mại với nhiều hành vi sâu và rộng, liên thông khu vực và thế giới. Do đó, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường là yêu cầu gắt gao, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành để đảm bảo sự phát triển bền vững nền kinh tế và thị trường nội địa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị triển khai Quyết định 34/2018 QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Cục quản lý thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khằng định như vậy tại Hội nghị triển khai Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương do Bộ này tổ chức ngày 22/8 tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mặc dù mô hình quản lý thị trường đã phát huy và phát triển mạnh qua nhiều giai đoạn nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế nhất là phân chia, thiếu sự tập trung thống nhất cả về chuyên môn, sự phối hợp các lực lượng chức năng, địa bàn nên nhiều vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn ra.
Vì vậy qua nhiều giai đoạn lấy ý kiến công khai, rộng rãi tại các cấp, các ngành, ngày 10/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 34 về việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương nhằm tổ chức theo ngành dọc, thống nhất lực lượng quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương.
Tại hội nghị, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công Thương cho biết, dựa theo quyết định này, Bộ Công Thương sẽ tinh gọn và cắt giảm bớt bộ máy hiện nay. Theo đó, tại địa phương với lực lượng cấp tỉnh giảm 63 còn 44 đơn vị thông qua sắp xếp lại các đơn vị cơ quan quản lý thị trường tỉnh, sắp xếp 38 còn 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh tương đương giảm 30%
Riêng với cấp huyện, tinh giản bộ máy sắp xếp lại đội quản lý thị trường liên huyện, giảm 376 đội tức giảm 45%. Sắp xếp bố trí giảm trung bình mỗi tỉnh giảm 3 đội cấp huyện. Liên quan đến đề án nhân sự hiện Vụ Tổ chức cán bộ đang xây dựng và trình lãnh đạo Bộ trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, với văn phòng Vụ, văn phòng Tổng Cục đã rà soát nhân sự, xây dựng phương án xây dựng các nhân sự có đủ điều kiện.
Đáng lưu ý, cấp Cục để đảm bảo không gián đoạn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính với chức danh Cục trưởng sẽ báo cáo Ban cán sự thì tạm thời giao quyền Cục trưởng, Phó Cục trưởng đến 12/10 khi Nghị định có hiệu lực. Không có tổ chức cấp phòng trong Vụ, Cục và các Đội.

Đại diện các đơn vị chức năng tham gia ý kiến để hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Bắt đầu từ ngày 12/10 tới, Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 sẽ có hiệu lực nên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị lực lượng quản lý thị trường quán triệt những yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đặt ra khi ban hành Quyết định 34.
Theo Bộ trưởng, mỗi cán bộ quản lý thị trường không chỉ là những công chức, viên chức giỏi nghiệp vụ, chuyên môn của mình mà còn có những hiểu biết chung về phát triển kinh tế xã hội, những khung khổ pháp lý chung.
Bên cạnh đó, phải có những phẩm chất của những người cán bộ thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân trong tất cả các hoạt động liên quan đến kinh tế, thương mại, đầu tư sản xuất, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bộ trưởng nhấn mạnh, những hành vi có dấu hiệu trục lợi, cấu kết đối với những những hành vi vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn cũng là những hành vi bị pháp luật nghiêm trị.
Những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng quản lý thị trường cũng như trong một bộ máy mới trong tổ chức bộ máy Bộ Công Thương.
Thực trạng vừa qua cũng cho thấy, ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực; đó là những bài học ”chua xót”, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới.
Do đó, Bộ Công Thương xác định trong tổ chức mới của Tổng cục Quản lý thị trường phẩm chất cán bộ là yêu cầu đầu tiên được quan tâm hàng đầu đảm bảo điều kiện tiền đề, giúp lực lượng quản lý thị trường hoàn thành trọng trách, sứ mệnh của mình.

Theo Bộ trưởng, 2 tháng tới nhiệm vụ của các Lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường tại các địa phương rất quan trọng trong việc quán triệt và nắm bắt đầy đủ những yêu cầu, hướng dẫn, quy định cụ thể về quá trình tổ chức, phối hợp để chuyển giao lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương cho Bộ Công Thương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng khẳng định Lãnh đạo Bộ cũng như các đơn vị thuộc Bộ luôn luôn sát cánh và là chỗ dựa tin cậy với các cán bộ quản lý thị trường trong tất cả các hoàn cảnh, trong tất cả các lĩnh vực về công việc, về những tâm tư, tình cảm cũng như đời sống vật chất, chế độ, chính sách…
Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Bộ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số… phối hợp với các Chi cục quản lý thị trường để triển khai, hướng dẫn các nội dung của Quyết định 34.
Bộ trưởng cho biết, từ nay đến ngày 12/10, Bộ sẽ sớm có các Quyết định, quy định về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo chế độ, chính sách, điều kiện làm việc cho các cán bộ quản lý thị trường ở địa phương như quy chế phối hợp giữa Bộ Công Thương (cụ thể là Tổng Cục Quản lý thị trường) với các cấp ủy đảng của địa phương, các lực lượng chức năng, chuyên ngành.

Cùng đó đưa ra các hướng dẫn cụ thể để các cán bộ quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ chuyên môn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục