Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 gồm những nội dung gì?

11:24' - 07/09/2017
BNEWS Tổng điều tra dân số và nhà ở tiến hành 10 năm/lần ngày 1/4. Năm 2019 là lần thứ 5 thực hiện cuộc điều tra này nhằm đáp ứng các chỉ tiêu quốc gia và một số chỉ tiêu phát triển bền vững.

Hội thảo trưng cầu ý kiến về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 7/9, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội thảo trưng cầu ý kiến về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm đóng góp cho dự thảo Kế hoạch hoạt động Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và bàn thảo về nội dung thu thập thông tin của cuộc tổng điều tra.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm thu thập thông tin cơ bản và chi tiết về dân số và nhà ở nước ta, làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030.

“Kết quả cuộc Tổng điều tra sẽ cung cấp số liệu về quy mô dân số chi tiết của toàn quốc 10 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009; bổ sung kho dữ liệu dân số nhà ở của Nhà nước, Chính phủ và từng địa phương nhằm phục công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương, phục vụ yêu cầu so sánh quốc tế”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 còn là căn cứ để đánh giá bước đầu việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của chương trình Nghị sự sau năm 2015 của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết thực hiện; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về dân số theo quy định của Luật Thống kê; là nguồn thông tin quan trọng hỗ trợ cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dự liệu bộ, ngành có liên quan, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử 4 cấp.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra quan trọng đối với Tổng cục Thống kê cũng như tất cả các tổ chức và cá nhân sẽ sử dụng thông tin của cuộc tổng điều tra này bao gồm các cơ quan làm chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành, các khu vực tư nhân, các tổ chức dân sự xã hội, các nhà nghiên cứu, các đối tác phát triển…

Thông tin từ cuộc Tổng điều tra, còn giúp Chính phủ Việt Nam theo dõi việc Việt Nam có đạt được mục tiêu hay chỉ tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Bà Vũ Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng điều tra dân số và nhà ở tiến hành 10 năm/lần ngày 1/4. Năm 2019 là lần thứ 5 thực hiện cuộc điều tra này. Mục đích nhằm thu thập thông tin về điều tra dân số và nhà ở nhằm đáp ứng các chỉ tiêu quốc gia và một số chỉ tiêu phát triển bền vững. Đối tượng điều tra là tất cả người dân Việt Nam là người thường trú.

Dự kiến nội dung thu thập trong tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 bao gồm: thông tin thống kê về nhân khẩu học truyền thống; thông tin thống kê về nhà ở và điều kiện sống của hộ dân cư: thông tin thống kê được lồng ghép nhằm đáp ứng yêu cầu biên soạn một số chỉ tiêu thống kê phản ánh những vấn đề mới nổi hoặc quan trọng trong lĩnh vực dân số.

Căn cứ thu thập thông tin trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 gồm: hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được ban hành theo Luật Thống kê năm 2015; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã; bộ chỉ tiêu về phát triển giới quốc gia; bộ chỉ tiêu về thanh niên Việt Nam; bộ chỉ tiêu phản ánh Luật trẻ em Việt Nam; Bộ chỉ tiêu về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số.

Chia sẻ kinh nghiệm của cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, ông Lâm Lê Bằng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Yên Bái cho biết, để cuộc tổng điều tra đạt hiệu quả cao, cần huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương…

Dự báo dân số năm 2019 là 95,387 triệu người và 25,938 triệu hộ; 173.000 địa bàn; cần hơn 200.000 điều tra viên, giám sát viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục