Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội bị kỷ luật do xin chủ trương vượt cấp

15:22' - 18/02/2016
BNEWS Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp bị kỷ luật do chậm triển khai việc khảo sát thực tế lô hàng và báo cáo vượt cấp lên Bộ Giao thông Vận tải.

Về việc xử lý Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội Nguyễn Viết Hiệp khi đề xuất mua hơn 160 toa xe lửa đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kỷ luật vì lý do chậm triển khai việc khảo sát thực tế lô hàng và báo cáo vượt cấp lên Bộ Giao thông Vận tải, gây hiểu nhầm, mất uy tín của Tổng công ty.

Chính vì xin chủ trương vượt cấp nên nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng mới yêu cầu xử lý để đảm bảo kỷ cương. Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay.

Thực hiện yêu cầu đổi mới về vận tải hàng hóa, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đồng ý chủ trương cho cán bộ đi khảo sát để mua toa xe lửa đã qua sử dụng; trong đó có đầu máy, toa xe, phương tiện thiết bị đang sử dụng chạy trên khổ đường 1mét của Trung Quốc có nhu cầu thanh lý (do nước này chuyển sang vận tải trên đường khổ 1,435mét).

Chủ tịch Trần Ngọc Thành cho biết: "Quy trình là sau khi anh em được Tổng công ty cử đi khảo sát về phải xây dựng, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật toa xe đó đã qua sử dụng trong thời gian bao lâu, chất lượng kỹ thuật còn lại bao nhiêu, giá như thế nào, hiệu quả kinh tế so với đóng mới ra sao? Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có báo cáo tới Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt để quyết định có nên mua hay không. Cũng do chưa có báo cáo nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa phê duyệt mua các toa xe này".

Ông Trần Ngọc Thành cũng cho biết, về quan điểm nếu như có báo cáo kinh tế kỹ thuật đánh giá cho thấy những toa xe này chất lượng còn tốt trên 90%, giá thành từ 15-20% so với đóng mới mà Tổng công ty đang phải đầu tư (hiện nay để đóng 1 toa xe mới cần 1 tỷ đồng) thì tính toán về hiệu quả Tổng công ty quyết định cho mua là bình thường vì việc mua toa xe đã qua sử dụng không trái quy định pháp luật.

Ông Trần Ngọc Thành cũng khẳng định: “Nếu Công ty Đường sắt Hà Nội đề xuất mua toa xe lửa loại 20 tuổi lên Chủ tịch Hội đồng thành viên chắc chắn không được đồng ý vì loại toa xe 12 tuổi đã phải đưa vào đại tu".

Ông Trần Ngọc Thành cho biết, để phát triển vận tải hàng hóa trong thời gian tới thì nhu cầu đóng mới và mua thêm toa xe hàng của ngành đường sắt là rất lớn.

Với quyết tâm đổi mới, ngành đường sắt đã xây dựng cơ chế chính sách để xã hội hóa, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng như là đường ke, bãi hàng, nhà kho…

Năm 2013, Tổng công ty Đường sắt đã cho đóng 300 toa xe; năm 2014 và 2015 đóng tiếp 250 toa xe nữa và hiện nay cũng đang tiếp tục đóng thêm toa xe để phục vụ vận tải hàng hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục