Tổng kiểm tra nguồn gốc và điều kiện kinh doanh của các cửa hàng xăng dầu trên cả nước

19:59' - 13/06/2019
BNEWS Thời gian qua, thị trường liên tục chứng kiến các vụ gian lận thương mại, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Nổi cộm lên mới đây là hành vi pha trộn xăng của Trịnh Sướng cùng các đối tượng đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự buông lỏng quản lý.  

Xung quanh vấn đề quản lý chống gian lận thương mại xăng dầu, chiều 13/6 ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã trả lời phóng viên TTXVN trước chiến dịch Tổng kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.

*Phóng viên:Như thông điệp của Tổng cục Quản lý thị trường đã phát đi, trong thời gian tới sẽ tổng kiểm tra hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước. Vậy, Tổng cục sẽ phối hợp và chỉ đạo kiểm tra các cửa hàng xăng dầu như thế nào?

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

-Ông Trần Hữu Linh: Thực ra việc kiểm tra kiểm soát mặt hàng xăng dầu được lực lượng quản lý thị trường triển khai mấy năm nay rồi. Đặc biệt trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tại các địa phương lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra về lĩnh vực này.

Trước đó, Ban chỉ đạo quốc gia 389 cũng đã có kế hoạch chuyên đề về đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu vì đây là mặt hàng rất quan trọng.

Tuy nhiên, lần này  Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra nguồn gốc xăng dầu có nhập lậu hay không và điều kiện kinh doanh có đúng giấy phép hay không.

Với tư cách là lực lượng phòng chống gian lận thương mại, lực lượng  quản lý thị trường cũng thường xuyên tham gia vào các đoàn kiểm tra liên ngành như công an, biên phòng, thanh tra khoa học công nghệ, đo lường chất lượng của địa phương để kiểm tra tại nhiều lĩnh vực khác như gian lận thương mại xăng dầu, đo lường chất lượng xăng dầu hay an toàn cháy nổ cây xăng.

Thời gian qua, việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất cũng được 63 Cục Quản lý thị trường trên cả nước tiến hành triển khai. Đặc biệt, các Cục Quản lý thị trường địa phương cũng thường xuyên phối hợp với các ngành khác trong việc phòng chống gian lận thương mại, nhất là với lĩnh vực xăng dầu.

*Phóng viên:Ông có thể cho biết đợt tổng kiểm tra này sẽ bắt đầu vào thời gian nào và nếu phát hiện gian lận thì hình thức xử lý các vi phạm này ra sao?

-Ông Trần Hữu Linh: Tổng cục Quản lý thị trường có kế hoạch kiểm tra mang tính đột xuất, tập trung vào hai vấn đề là thương nhân đầu mối được cấp phép tiêu chuẩn chất lượng và xăng dầu nhập lậu có đủ giấy phép kinh doanh hay không.

Theo đó, địa bàn kiểm tra sẽ không được thông báo trước và Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp mời thêm các đơn vị chức năng như Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Vụ Thị trường trong nước và các lực lượng phía địa phương để kiểm tra thêm về tiêu chuẩn vầ đo lường chất lượng xăng dầu. Bởi, thời gian gần đây chất lượng xăng dầu giả đang nổi lên đã tác động xấu đến thị trường và người tiêu dùng.

Hình thức xử phạt đã được quy định rõ trong các văn bản vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như vi phạm liên quan đến điều kiện kinh doanh như giấy phép hết hạn hay an toàn về phòng cháy chữa cháy, kinh doanh xăng dầu nhập lậu…đều có những chế tài cụ thể.

Hơn nữa, qua đợt tổng kiểm tra tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm soát cụ thể chi tiết hơn để đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu từ thương nhân đến tổng đại lý và cây xăng phải đảm bảo đúng điều kiện quy định của pháp luật.

Hiện nay, Tổng cục Quản lý thị trường được giao soạn thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt quy định hành chính trong xăng dầu, khí và gas.

Do đó, đợt tổng kiểm tra này cũng sẽ có nhiều thông tin bổ ích để Tổng cục Quản lý thị trường hoàn thiện và trình Chính phủ vào cuối quí II năm nay.

*Phóng viên: Qua vụ pha chế xăng dầu Trịnh Sướng cho thấy khâu quản lý xăng dầu trên toàn quốc sẽ phải được xiết chặt như thế nào và vai trò của Tổng cục Quản lý thị trường trước vấn đề này ra sao?

-Ông Trần Hữu Linh: Vụ vi phạm pha chế xăng dầu Trịnh Sướng cho thấy xăng dầu là mặt hàng đặc biệt và rất quan trọng đối với đời sống người dân và doanh nghiệp.

Vì thế, cách thức quản lý xăng dầu cần có sự giao thoa phối hợp từ rất nhiều lực lượng từ phòng chống buôn lậu xăng dầu tại cửa khẩu biên giới tới cảnh sát biển, bộ đội biên phòng hay vào nội địa là cơ quan thuế, đo lường chất lượng, quản lý điều kiện kinh doanh (Bộ Công Thương), quản lý thị trường hay bộ công an…

Tuy nhiên qua vụ việc này, cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng vì trách nhiệm thuộc rất nhiều lực lượng quản lý. Hơn nữa, cây xăng lại do địa phương cấp nên vai trò của địa phương, nhất là lực lượng 389 của các tỉnh cần tăng cường vai trò điều phối, chỉ đạo thường xuyên.

Lý do vì  gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu đang ngày càng tinh vi và phức tạp, hình thành các đường dây ổ nhóm quy mô lớn. Do đó, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh phối hợp tốt hơn nữa và làm hết trách nhiệm của mình.

Với vai trò quản lý về khâu lưu thông đủ giấy phép, đúng thời hạn, điều kiện kinh doanh phải được đảm bảo. Do đó, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phải chủ động hơn trong việc tham mưu đề xuất và phối hợp liên ngành giữa các lực lượng thì mới quản lý tốt được mặt hàng này khi lưu thông trên thị trường.

*Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc Trịnh Sướng dù đã diễn ra trong thời gian dài nhưng đến nay mới bị phát hiện. Theo ông, đây có phải sơ suất chủ quan của lực lượng quản lý thị trường hay không?

-Ông Trần Hữu Linh: Đây là mặt hàng do nhiều đơn vị quản lý, trong đó đơn vị quản lý chất lượng lại không thuộc của Bộ Công Thương hay lực lượng quản lý thị trường.

Tuy nhiên, trong vấn đề này lực lượng quản lý thị trường cũng có một phần trách nhiệm với tư cách chống gian lận thương mại. Bởi nếu phối hợp tốt hơn với các lực lượng chức năng khác sẽ phát hiện sớm và giải quyết triệt để hơn.

Do đây là vụ việc có quy mô lớn, hình thức tinh vi và có tổ chức nên cần có chuyên án lớn, thời gian trinh sát, điều tra kéo dài hàng năm. Vì vậy, lực lượng công an đã phải họp bàn và hoạch định chuyên án cụ thể để phục kích cả năm mới đưa vụ việc ra ánh sáng.Vì thế, mỗi lực lượng trong mặt trận chống gian lận thương mại đều phải có trách nhiệm riêng của mình.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi sản xuất xăng giả, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu nhằm ổn định trật tự trong kinh doanh xăng dầu, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hy vọng rằng với những nỗ lực và quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường, những vụ việc tương tự sẽ bị phát hiện và xử lý kịp thời.

*Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm:

>>Sóc Trăng họp báo thông tin về vụ “Đại gia xăng dầu” Trịnh Sướng bị bắt

>>Tổng cục Quản lý thị trường chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục