Tổng thống Indonesia thực hiện chính sách cải cách ruộng đất

11:22' - 07/03/2017
BNEWS Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đang thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi). Ảnh: AFP/TTXVN

Nổi bật là chính sách cải cách ruộng đất mới trong phạm vi cả nước nhằm đem lại sự công bằng hơn cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, và qua đó giảm thiểu việc đốt, chặt phá rừng, bảo vệ môi trường.

Theo bài viết trên báo “Bưu điện Jakarta” của tác giả Adisti Sukma Sawitri, Chính phủ Indonesia đang thực hiện một bước đi táo bạo với kế hoạch cấp thêm diện tích đất canh tác cho người dân theo chương trình cải cách ruộng đất mới của mình.

Hơn 9 triệu ha, trong đó với khoảng 4,5 triệu ha đất rừng bị suy thoái, 4,5 triệu ha đất bạc màu sẽ được giao cho những người là đối tượng trong cuộc cải cách ruộng đất của chính phủ đợt này, đồng thời 12,7 triệu ha đất canh tác khác cũng sẽ được giao cho người dân địa phương canh tác.

Chính phủ Indonesia thực hiện chính sách cải cách ruộng đất nhằm đảm bảo mọi công dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng với nguồn tài nguyên đất đai của nhà nước, sử dụng dịch vụ cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản khác nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội.

Kế hoạch này cũng nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót của chính sách đất đai trước đây, và đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp dân chúng Indonesia.

Việc tập trung hóa đất đai phục vụ cho việc trồng rừng cũng đã có tác dụng giúp nhà nước có điều kiện chuyên canh đối với những sản phẩm có nhiều lợi ích kinh tế, phục vụ xuất khẩu.

Chính sách cải cách ruộng đất mới mà Tổng thống Jokowi thực hiện sẽ tạo đà phát triển một mô hình mới để con người tham gia vào việc phát triển bền vững, giảm thiểu sự bất bình đẳng, làm cho người dân có ý thức bảo vệ môi trường, ngăn chặn tình trạng cháy rừng xảy ra hàng năm.

Khu vực tư nhân vốn đóng vai trò then chốt trong các đồn điền cũng là đối tượng phải cải cách. Các doanh nghiệp cần tôn trọng quyền sở hữu ruộng đất của người dân và đối xử bình đẳng với họ để đảm bảo sự công bằng xã hội.

Các kinh nghiệm phong phú của chính phủ trong việc sở hữu đất đai cộng với việc áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại trong canh tác hiện nay sẽ giúp cho chính phủ cũng như người dân có cơ sở để tin cậy vào một giai đoạn phát triển mới trong ngành trồng trọt của Indonesia thời gian tới.

Bên cạnh chính sách cải cách ruộng đất, ông Widodo còn chú trọng tăng cường sự độc lập cho nền kinh tế bằng cách phát triển các lĩnh vực chiến lược trong nước như mở rộng mạng lưới tưới tiêu, trồng lúa bên ngoài đảo Java, thành lập ngân hàng cho nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chấm dứt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Chính phủ Indonesia đang nỗ lực bình ổn giá gạo trong nước. Ảnh: Reuters

Cơ quan hậu cần Nhà nước Indonesia (Bulog) cho biết Indonesia trong năm 2017 sẽ nỗ lực bình ổn giá gạo và phân bổ một cách hợp lý để không phải nhập khẩu gạo, đồng thời vẫn đảm bảo ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.

Chủ tịch Bulog Djarot Kusumayakti khẳng định Bulog sẽ tăng cường thu mua lúa của các địa phương, dự kiến đạt 3,7 triệu tấn để phân phát cho những người có thu nhập thấp. Chính phủ Indonesia sẽ duy trì giá gạo trên 3.700 rupiah/kg (tương đương 28 xu Mỹ) thông qua việc thu mua trực tiếp từ nông dân.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng tỏ ra lạc quan về khả năng sản lượng gạo trong năm 2017 sẽ đạt 80 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước là 60 triệu tấn/năm.

Sản lượng gạo năm 2016 của Indonesia đã đạt hơn 79,1 triệu tấn, tăng 9 triệu tấn so với năm trước đó nhờ mùa mưa kéo dài, đủ nước cho nông dân mở rộng diện tích trồng lúa.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo Chính phủ Indonesia về việc cần có số liệu chính xác về cung và cầu, vốn là một vấn đề nhạy cảm gây nhiều biến động trong kế hoạch về gạo trong những năm qua.

Năm 2016, Indonesia đã phải nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo, trong khi trước đó đã đưa ra kế hoạch và tuyên bố không nhập khẩu gạo trong năm 2016.

Xem thêm:

>> Cam nhập khẩu chiếm ưu thế tại thị trường Indonesia

>> Indonesia tuyên bố sẽ không xuất khẩu quặng niken tràn lan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục