Tổng thống Mỹ: Cơ chế kiểm soát vũ khí mới cần gồm có Trung Quốc

16:57' - 28/06/2019
BNEWS Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, cơ chế kiểm soát vũ khí mới cần bao gồm cả Trung Quốc - một đối thủ chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Ngày 28/6, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh cơ chế kiểm soát vũ khí mới cần bao gồm cả Trung Quốc - một đối thủ chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thông cáo của Nhà Trắng cho biết tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga đã nhất trí "tiếp tục thảo luận về cơ chế kiểm soát vũ khí thế kỷ 21, mà Tổng thống Trump tuyên bố là cần phải bao gồm cả Trung Quốc".

Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin cùng nhất trí cần cải thiện mối quan hệ giữa hai nước vì lợi ích chung của hai bên và vì lợi ích của cả thế giới.

Nhà Trắng cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình tại Iran, Syria, Venezuela và Ukraine, nhưng không cho biết thông tin chi tiết.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin kể từ tháng 7/2018 tại Phần Lan.

Trước đó, "ông chủ Nhà Trắng" đã hủy một cuộc họp vốn đã được lên kế hoạch với Tổng thống Putin vào cuối năm ngoái tại Argentina, với lý do Moskva bắt giữ các tàu hải quân và thủy thủ Ukraine.

Cuộc hội đàm lần này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga được tiến hành trong bối cảnh Washington đang tìm kiếm các cuộc đàm phán về cơ chế kiểm soát vũ khí mới, không chỉ có liên quan đến Mỹ và Nga, mà còn bao gồm cả Trung Quốc.

Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận mà nước này đã ký kết với Nga năm 1987.

Mỹ và các nước đồng minh lo ngại rằng Trung Quốc - nước không tham gia INF - đang giành được lợi thế quân sự đáng kể ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách phát triển các tên lửa có phạm vi vượt quá giới hạn của hiệp ước này.

Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang cân nhắc khả năng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - một thỏa thuận khác của Mỹ - Nga sẽ hết hạn vào tháng 2/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục