Tổng thống Mỹ muốn ký kết thỏa thuận mới về NAFTA trong vòng 90 ngày

10:58' - 01/09/2018
BNEWS Thông tin trên được đưa ra giữa lúc các cuộc đàm phán để duy trì tư cách thành viên của Canada trong NAFTA với Mỹ đã kết thúc vào ngày 31/8 mà không đạt được kết quả nào.

Ngày 31/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo với Quốc hội rằng ông đã lên kế hoạch ký kết một thỏa thuận với Mexico trong vòng 90 ngày tới để thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đồng thời bày tỏ hy vọng Canada cũng có thể tham gia thỏa thuận này.

Thông tin trên được đưa ra giữa lúc các cuộc đàm phán để duy trì tư cách thành viên của Canada trong NAFTA với Mỹ đã kết thúc vào ngày 31/8 mà không đạt được kết quả nào do những bất đồng về nhiều vấn đề giữa hai bên.

Dự kiến, các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục vào tuần tới trong bối cảnh Mỹ và Canada vẫn còn nhiều khác biệt trong các vấn đề như thị trường sữa của Canada và nỗ lực bảo vệ các công ty dược phẩm của Mỹ.

Hồi đầu tuần này, Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận về sửa đổi NAFTA mà không có Canada, quốc gia thành viên thứ ba. Đặc phái viên thương mại hàng đầu của Canada, Bộ trưởng Ngoại giao Chrystia Freeland, sau đó đã vội vã đến Washington để tiến hành đàm phán nhằm duy trì tư cách thành viên của Canada trong hiệp định thương mại khu vực 24 năm tuổi này.

Song sau bốn ngày đàm phán với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, bà Freeland đã không đạt được kết quả như mong đợi. Theo kế hoạch, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada sẽ được nối lại vào thứ Tư tuần sau (5/9).

NAFTA đã xóa bỏ hầu hết các rào cản thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada, giúp hoạt động giao thương giữa ba nước tăng mạnh. Nhưng nhiều nhà sản xuất đã đối phó với thỏa thuận này bằng cách chuyển các nhà máy xuống phía Nam để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Mexico, sau đó vận chuyển hàng hóa về phía bắc đến Mỹ và Canada.

Trong giai đoạn tranh cử cho vị trí Tổng thống, ông Donald Trump đã cáo buộc rằng NAFTA đã lấy đi việc làm tại các nhà máy ở Mỹ, đồng thời đưa ra cam kết sẽ đàm phán lại một thỏa thuận tốt hơn hoặc rút khỏi NAFTA.

Một vài tuần trước, Mỹ đã bắt đầu đàm phán với Mexico mà không có sự tham gia của Canada và đi đến thỏa thuận vào ngày 27/8 vừa qua. Một nội dung đáng chú ý trong bản thỏa thuận được công bố vào thứ Hai tuần này là yêu cầu một chiếc xe phải có tỷ lệ lắp ráp 40 - 45% tại một quốc gia Bắc Mỹ, nơi công nhân trong ngành ô tô có mức lương tối thiểu 16 USD/giờ (đồng nghĩa với việc không phải ở Mexico), mới được miễn thuế.

Canada không phản đối về các quy định về ngành ô tô trong thỏa thuận Mỹ-Mexico do điều này cũng có lợi cho người lao động Canada, nhưng Ottawa có những khiếu nại khác. Tuy nhiên, các nhà đàm phán của Mỹ lẫn của Canada đều không công khai nói về các vấn đề mà hai bên vẫn đang bị chia rẽ.

Ông Daniel Ujczo, luật sư thương mại của công ty luật Dickinson Wright tại Columbus, bang Ohio (Mỹ), nói rằng các điểm mà hai bên còn mâu thuẫn bao gồm các rào cản thương mại nhằm bảo vệ nông dân chăn nuôi bò sữa của Canada, cũng như sự cứng rắn của nước này về các quy định giải quyết tranh chấp trong NAFTA.

Ngoài ra, một vấn đề gây đau đầu khác là trong thỏa thuận Mỹ - Mexico, Washington có thể bảo vệ các nhà sản xuất thuốc sinh học của Mỹ (gồm các loại thuốc cực kỳ đắt tiền được sản xuất từ các tế bào gốc) khỏi sự cạnh tranh trong vòng 10 năm thay vì 8 năm như Canada đề xuất. Điều này là vì Canada lo ngại sự bảo hộ nêu trên sẽ đẩy giá thuốc lên cao và khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe công tốn kém hơn.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng họ muốn có một thỏa thuận vào ngày 31/8 để bắt đầu thời gian đếm ngược kéo dài 90 ngày nhằm giúp Tổng thống đương nhiệm Enrique Pena Nieto của Mexico có thể ký kết thỏa thuận trước khi mãn nhiệm vào ngày 1/12.

Theo các quy tắc thương mại của Mỹ, giới chức đàm phán của nước này không phải công bố ngay văn bản thỏa thuận đã được sửa đổi trong vòng 30 ngày nữa, giúp có thêm thời gian để Mỹ đạt được thỏa thuận với Canada. Tuyên bố của Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer ngày 31/8 cũng cho biết Tổng thống Trump dự định ký kết một thỏa thuận thương mại mới với Mexico, dù Canada có còn là một thành viên của thỏa thuận này hay không.

Song giới quan sát chỉ ra rằng khi chính quyền của Tổng thống Trump thông báo cho Quốc hội hồi năm ngoái về việc đàm phán lại NAFTA, các quan chức cho biết họ sẽ tham gia đàm phán với cả Canada và Mexico.

Hiện không rõ liệu Chính quyền của Tổng thống Trump thậm chí còn có thẩm quyền để đi đến thỏa thuận với chỉ một trong hai quốc gia đó hay không. Và Quốc hội Mỹ, cơ quan bắt buộc phải thông qua bản NAFTA sửa đổi, có thể từ chối công nhận một thỏa thuận mà không có Canada.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục