TP.HCM chi hơn 1.000 tỷ đồng cho phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

15:24' - 01/09/2017
BNEWS Trong 2 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 1.103,4 tỷ đồng để triển khai 36 dự án đầu tư xây dựng, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ...
TP.HCM chi hơn 1.000 tỷ đồng cho phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh minh họa: Mạnh Linh - TTXVN

Ngày 1/9, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố năm 2015 và những năm tiếp theo.

Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng

Trong 2 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 1.103,4 tỷ đồng để triển khai 36 dự án đầu tư xây dựng, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; cấp kinh phí hoạt động và đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các sở ngành, quận huyện trên địa bàn thành phố.

Trong đó, nhiều ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, phương tiện hiện đại được đầu tư như: hệ thống cảnh báo cháy sớm, hệ thống camera quan sát, bản đồ số phục vụ công tác chỉ huy, điều hành chữa cháy; hệ thống liên thông tổng đài 113 – 114 – 115; đầu tư xe chữa cháy công nghệ 1.7, xe chữa cháy, cứu hộ trong đường hầm, xe xử lý hóa chất; ứng dụng công nghệ tin học, viễn thông vào công tác giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, xử lý văn bản…
Trung tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đã chủ động, đi đầu cả nước về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Lãnh đạo Đảng, Chính quyền thành phố đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc và cụ thể hóa những chủ trương, chỉ đạo để các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Đặc biệt, đã phê duyệt Dự án “Quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025” với mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh chính quy, tinh nhuệ và ngày càng hiện đại.
Ghi nhận sự quan tâm, đầu tư mạnh các dự án đầu tư xây dựng, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tướng Bùi Văn Thành cũng bày tỏ băn khoăn về một số mặt còn hạn chế.

Đó là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (giao thông, nguồn nước,…) còn chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội; trong khu vực nội thành còn tồn tại những căn hộ xây dựng tạm bợ, cơi nới lấn chiếm không gian, trong hẻm sâu thiếu nguồn nước chữa cháy, những căn hộ vừa để ở vừa kết hợp kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 1.000 nhà cao tầng và siêu cao tầng nhưng thành phố vẫn chưa trang bị được trực thăng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nếu xảy ra sự cố, công tác này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thành lập Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tại 6 quận, huyện

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay còn 6 quận huyện chưa thành lập Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy là: Quận 5, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức, Hóc Môn.

Trong đó, huyện Hóc Môn, quận Tân Bình, Phú Nhuận, Thủ Đức đã xây dựng trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nhưng hiện nay chưa cho phép thành lập, nên việc triển khai chỉ đạo của Thành ủy, Dự án quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do khoảng cách, bán kính hoạt động.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, triển khai Dự án “Quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025”, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tại 6 quận, huyện chưa có; thống nhất bố trí nguồn vốn triển khai dự án.

UBND các quận huyện tiến hành rà soát, nghiên cứu phối hợp các sở, ngành để xây dựng thêm các Đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp nhằm rút ngắn bán kính bảo vệ và nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
Ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp quản lý chặt chẽ, xây dựng lộ trình và giải pháp di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao ra khỏi khu dân cư; nâng cao chất lượng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân, phổ cập các phương pháp thoát hiểm khi có sự cố tới từng người dân.

Cùng với đó nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”; nghiên cứu nhân rộng các mô hình tốt như “cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy chữa cháy”, “cụm dân cư an toàn phòng cháy chữa cháy”.
Trong 2 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 3.048 sự cố về cháy, làm chết 32 người chết, 87 người bị thương, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 375 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố trực tiếp chữa cháy 841 vụ, triển khai thực hiện 445 vụ cứu nạn cứu hộ, cứu được 136 người và vớt 103 thi thể nạn nhân./.

>>> Xây dựng Bộ tiêu chí phòng chữa cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục