Tp.HCM giữa những ngày giãn cách - Bài 2: Nâng cao năng lực điều trị COVID-19
Điều này tạo nên áp lực vô cùng lớn đối với hệ thống điều trị và Thành phố đã buộc phải có các biện pháp ứng phó như chuyển đổi công năng các bệnh viện, xây dựng bệnh viện dã chiến, phân tầng điều trị cho từng đối tượng bệnh nhân nhằm mục tiêu cao nhất giảm tỷ lệ tử vong.
Có thể nói, chưa bao giờ ngành Y tế thành phố nói riêng, cả nước nói chung phải chuẩn bị một số lượng gường bệnh khổng lồ đến như vậy chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn.
* Chung cư, trường học thành bệnh viện điều trị COVID-19
Các con số ca mắc liên tục nhảy múa khi tăng từ 1 con số lên 2 con số, 3 con số và tăng lên đến 4 con số mỗi ngày. Đỉnh điểm ngày 24/7, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 5.396 trường hợp nhiễm mới. Tính tới ngày 26/7, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang điều trị cho hơn 40.000 bệnh nhân COVID-19, trong đó có hơn 500 bệnh nhân nặng phải sử dụng các kỹ thuật hồi sức hiện đại như thở máy, ECMO...
Cùng với sự gia tăng của số ca mắc, ngành Y tế Thành phố đã bắt đầu thiết lập hệ thống điều trị cho riêng bệnh nhân COVID-19. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập bệnh viện dã chiến với sự ra đời của Bệnh viện Dã chiến Củ Chi từ tháng 5/2020.
Với quy mô 300 giường bệnh và sự luân phiên cán bộ y tế từ nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi đã phát huy tối đa hiệu quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Từ thành công của mô hình này, khi làn sóng dịch lần thứ 4 lan rộng, Thành phố đã gấp rút thành lập các bệnh viện dã chiến khác trên địa bàn bằng việc tận dụng ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các khu chung cư, khu tái định cư chưa có người ở để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 như Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị số 1, số 2, số 3, số 4...
Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 13 bệnh viện dã chiến với quy mô 36.000 giường bệnh - là nơi thu dung điều trị cho phần lớn bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Việc thành lập các bệnh viện dã chiến của Thành phố được đánh giá là "thần tốc" khi chỉ trong hơn 10 ngày ngắn ngủi, hàng chục bệnh viện dã chiến với quy mô hàng ngàn giường bệnh đã được ra đời.
Đó là sự chung tay góp sức của rất nhiều lực lượng gồm quân đội, công an, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, nhân viên y tế... không quản ngại vất vả ngày đêm vận chuyển trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và điều trị của người bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện 2 bệnh viện dã chiến quy mô lớn tại huyện Bình Chánh và Quận 7 với quy mô 7.000 giường bệnh. Đây là bệnh viện dã chiến xây dựng mới hoàn toàn và là giải pháp mà lãnh đạo Thành phố chuẩn bị cho kịch bản Thành phố sẽ có 10.000 ca bệnh trong tương lai, khi đợt dịch này từng bước được khống chế, chặn đà lây lan.
Bên cạnh việc thành lập các bệnh viện dã chiến, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tính đến bài toán tận dụng hệ thống y tế có sẵn để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng hoặc có bệnh lý nền.
Ban đầu từ chỉ hai đơn vị phụ trách là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy, dần dần Thành phố mở rộng thêm các bệnh viện khác để đáp ứng sự gia tăng của các ca bệnh bằng việc chuyển đổi công năng các bệnh viện như Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức... hoặc đưa bệnh nhân COVID-19 vào điều trị song song với việc khám chữa bệnh các bệnh khác theo mô hình "bệnh viện tách đôi".
Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc sử dụng các cơ sở y tế đa khoa chuyển đổi công năng hoặc mô hình "bệnh viện tách đôi" để điều trị bệnh nhân COVID-19 là một trong những chiến lược tận dụng thế mạnh có sẵn của các cơ sở y tế.
Ở những cơ sở y tế này, luôn có sẵn đội ngũ y bác sỹ các chuyên khoa, sẵn sàng hỗ trợ khi bệnh nhân COVID-19 có thêm các bệnh lý nền khác hoặc gặp sự cố sức khỏe liên quan đến chuyên khoa mà không cần phải chuyển bệnh nhân đi nơi khác.
Diễn biến bất ngờ của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 lây lan nhanh, mạnh với sự với sự gia tăng chóng mặt của số ca nhiễm, Thành phố Hồ Chi Minh đã chủ động, linh hoạt trong việc triển khai các cơ sở điều trị COVID-19. Tính chung trên toàn địa bàn Thành phố hiện có 35 bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất khoảng 45.000 giường bệnh được chia thành 5 tầng tháp với vai trò, nhiệm vụ khác nhau.
Nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19 cấp thành phố quản lý, UBND Thành phố cũng chỉ đạo thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn thành lập các cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 không triệu chứng, không kèm bệnh lý nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì thuộc địa bàn quản lý.
Các cơ sở này sử dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn như khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học để thành lập khu cách ly tập trung; đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cơ bản cho người được cách ly và bố trí 2 khu vực cách ly riêng biệt cho 2 nhóm đối tượng là người chỉ mới có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính và người đã có kết quả RT-PCR dương tính; mỗi cơ sở cách ly tập trung phải bố trí phòng sơ cấp cứu, có ít nhất 5-10 bình oxy để điều trị các trường hợp nhẹ và kịp thời chuyển lên tuyến trên đối với các trường hợp chuyển bệnh nặng.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến có khoảng 50.000 gường bệnh điều trị F0 không triệu chứng ở 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
* Mô hình điều trị tháp 5 tầng, giảm thiểu tử vong
Một trong những chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế đánh giá cao đó là phân tầng điều trị bệnh nhân ngay từ đầu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, nếu như trước đây, trong làn sóng dịch lần thứ 3 tại một số tỉnh phía Bắc, việc phân tầng điều trị chỉ ở mức độ 3 tầng thì với tình hình dịch bệnh phức tạp tại Thành phố, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phân cấp điều trị thành 5 tầng một cách linh hoạt.
Trong đó, tầng 1 là các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền, không béo phì tại các cơ sở cách ly trên địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Đây là cấp độ thấp nhất và bệnh nhân sẽ được chuyển lên tầng thứ 2 khi xuất hiện các triệu chứng nặng. Ở tầng 2 là các bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ thu dung, điều trị các trường hợp COVID-19 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo.
Hiện ở tầng này Thành phố đã có 13 bệnh viện với khoảng 36.000 giường bệnh và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Tầng 3 là các bệnh viện điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng. Hiện có 8 bệnh viện ở tầng 3 với khoảng 3.315 giường bệnh.
Tầng 4 là 10 bệnh viện với khoảng 3.900 giường bệnh là những bệnh viện tiếp nhận các ca nặng có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng.
Ở tầng thứ 5 - tầng cao nhất là Bệnh viện hồi sức COVID-19 được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch. Cùng với đó là các khu vực hồi sức cấp cứu khác tại các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới... với khoảng 2.000 giường bệnh.
Về chiến lược điều trị giảm thiểu bệnh nhân COVID-19 tử vong, theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố tập trung nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 trong công tác điều phối và vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm tử vong; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để kịp thời điều động đội ngũ nhân lực và trang thiết bị tốt nhất cho các bệnh viện tầng 5; tăng cường các máy thở chức năng cao cho Bệnh viện này để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng; song song đó phối hợp Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Để giảm thiểu ca bệnh chuyển nặng, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả các cơ sở thu dung điều trị phải bố trí các giường bệnh cấp cứu ban đầu có đủ oxy để điều trị các bệnh nhân có chuyển biến nặng, khi chưa kịp chuyển đến bệnh viện tuyến cao hơn, phải đặt mục tiêu giảm tử vong lên trên hết, trước hết.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, chiến lược của thành phố là chuyển dần sang điều trị. Do đó, các nguồn lực, tổ chức khoa học cần được tập trung để điều phối công tác trên có hiệu quả, giảm tử vong tỉ lệ tử vong.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận huyện, thành phố Thủ Đức. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các bệnh viện dã chiến; huy động thêm các bệnh viện tư nhân và triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp các ca nhiễm tăng cao; nâng cao công tác điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm để khớp giữa nhu cầu người dân với hệ thống y tế.
Cùng với việc phân tầng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh cũng linh động triển khai cách ly F1 tại nhà, rút ngắn thời gian điều trị của F0 tại các bệnh viện và cho phép cách ly tại nhà nhằm giảm tải cho hệ thống y tế và giảm bớt lượng công việc cho đội ngũ nhân viên y tế để họ tập trung sức lực điều trị cho các trường hợp bệnh nặng.
Chia sẻ về chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 - chốt chặn cuối cùng trong điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi số lượng ca mắc nhiều, tương đương số ca mắc nặng cũng tăng lên, thay vì đợi tuyến dưới chuyển bệnh lên khi bệnh nhân đã quá nặng thì ngành Y tế đã chủ động triển khai phương án "chốt chặn từ xa".
Cụ thể, từng ngày từng giờ, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 kết nối trực tuyến đến tất cả bệnh viện, thiết lập đường dây nóng điều phối bệnh và hội chẩn với tuyến dưới. Khi bệnh nhân ở tuyến dưới có dấu hiệu chuyển nặng sẽ tiến hành hội chẩn online, cần thiết chuyển sớm về Bệnh viện Hồi sức COVID-19, không đợi phải đến khi thở máy.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cử các bác sỹ hồi sức trực ở các bệnh viện tầng dưới nhằm xử trí kịp thời các ca chuyển nặng trước khi chuyển viện. "Việc này sẽ giúp an toàn cho bệnh nhân trong quá trình chuyển viện và việc can thiệp sớm giúp giảm độ nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân", Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức nhận định.
Thực tế chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã điều trị, cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân từ độ nặng, nguy kịch chuyển sang độ nhẹ, chuyển về theo dõi ở các bệnh viện tầng thấp hơn./.
Xem thêm:
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay, hơn 2.000 lượt người đăng ký hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh
22:16' - 26/07/2021
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 26/7, Thành phố Hồ Chí Minh có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 5.997 ca.
-
Kinh tế Việt Nam
Thông tin T.p Hồ Chí Minh sử dụng 5 trực thăng phun chất khử trùng là sai sự thật
19:13' - 26/07/2021
Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thông tin lan truyền về việc tối 26/7, thành phố dùng 5 máy bay trực thăng phun chất khử trùng để diệt trừ coronavirus là sai sự thật.
-
Kinh tế Việt Nam
T.p Hồ Chí Minh yêu cầu người dân hạn chế tối đa ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ
19:09' - 26/07/2021
Ngày 26/7, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn về tăng cường biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường, trong thời gian từ ngày 26/7 đến hết ngày 1/8.
-
Thị trường
Tp. Hồ Chí Minh: Kênh bán lẻ hiện đại đóng cửa trước 18 giờ kể từ ngày 26/7
16:32' - 26/07/2021
Chiều 26/7, hầu hết nhà bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh đã đồng loạt thông báo đến khách hàng điều chỉnh giờ đóng cửa điểm bán lẻ trên toàn hệ thống trước 18 giờ kể từ ngày hôm nay.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chuẩn bị đủ quỹ đất phục vụ dịch vụ logistics và thương mại điện tử
16:48'
Thị trường vận tải và logistics của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 48,6 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,8%, đạt 71,9 tỷ USD vào năm 2030.
-
Kinh tế Việt Nam
Hạ tầng thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa
16:47'
Hiện nay hệ thống thoát nước tại các đô thị Việt Nam chủ yếu là hệ thống thống nước chung, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, chắp vá, xuống cấp và chưa được nâng cấp hoàn chỉnh.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam
16:45'
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với 443/454 (chiếm 92,48%) đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
-
Kinh tế Việt Nam
Khai mạc phiên chợ cam Hưng Yên năm 2024
15:57'
Các sản phẩm đều được gắn nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thông qua Luật Điện lực
15:49'
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điện lực với 439/463 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành (chiếm 91,65%).
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng
10:39'
Sáng 30/11, với 454/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78% tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
-
Kinh tế Việt Nam
Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
09:31'
Với 458/461 đại biểu tán thành (chiếm 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội), Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được Quốc hội thông qua sáng 30/11.
-
Kinh tế Việt Nam
Tỉnh Điện Biên ký thỏa thuận hợp tác với thành phố lớn thứ hai LB Nga
08:49'
Từ năm 2020, khi Việt Nam trở thành quốc gia định hướng ưu tiên đầu tiên trong hoạt động đối ngoại của Saint Petersburg, thành phố đã càng mở rộng các mối quan hệ với các địa phương của Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
08:18'
Ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8 (ngày 30/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.