TP.HCM thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika

20:44' - 03/11/2016
BNEWS Lãnh đạo UBND TP.HCM ghi nhận nỗ lực của các sở, ban ngành và 24 quận, huyện trong thời gian qua khi vừa phải kìm hãm sự gia tăng của sốt xuất huyết vừa phải đối phó với dịch bệnh do vi rút Zika.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.

Trước tình hình bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng mạnh trên địa bàn thành phố, chiều 3/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ngành liên quan và 24 quận, huyện.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến 16 giờ ngày 3/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 21 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Các ca nhiễm vi rút Zika nằm rải rác tại 11 quận, huyện.

Bên cạnh đó, trong số 56 mẫu đang được tiến hành xét nghiệm tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh có 9 trường hợp có khả năng nhiễm vi rút Zika. Theo nhận định của ông Nguyễn Trí Dũng, trong những ngày tới, số ca nhiễm vi rút Zika trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng thêm.

Trong khi đó, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố cũng đang trong thời kỳ đỉnh dịch. Tích lũy từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 15.274 ca bệnh, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2015.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, trong 5 tuần qua, trung bình mỗi tuần thành phố phát hiện 5 ca nhiễm bệnh do vi rút Zika, trong đó đáng chú ý là có 3 trường hợp nhiễm bệnh là phụ nữ mang thai.

Vì vậy, biện pháp tốt nhất hiện nay là phải làm giảm được mật độ muỗi thì mới kéo giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt cần có sự tư vấn trực tiếp đối với các thai phụ nhiễm vi rút Zika.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu ghi nhận những nỗ lực của các sở, ban ngành và 24 quận, huyện trong thời gian qua khi vừa phải kìm hãm sự gia tăng của sốt xuất huyết vừa phải đối phó với dịch bệnh do vi rút Zika.

Tuy nhiên, qua các cuộc kiểm tra giám sát vừa qua vẫn còn một số quận, huyện chưa thật sự quan tâm, sát sao trong công tác phòng chống dịch tại địa phương. Cụ thể, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh là 3 địa phương còn chưa thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường, còn có ổ loăng quăng, có nhiều điểm nguy cơ cao.

Siêu âm tầm soát cho thai phụ tại Khoa chăm sóc trước sinh Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Liên quan đến chứng đầu nhỏ ở trẻ em do vi rút Zika, bà Nguyễn Thị Thu yêu cầu các quận, huyện lập danh sách thai phụ trên địa bàn để tư vấn, tuyên truyền cách phòng tránh nhiễm bệnh do vi rút Zika, đồng thời phát hiện sớm các ca bệnh khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika với thành phần gồm lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành liên quan như Y tế, Tài nguyên - Môi trường, 24 Phó Chủ tịch UBND của 24 quận, huyện.

UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện và các sở, ngành báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn mình quản lý về UBND thành phố hàng ngày.

Tính đến ngày 3/11, trên cả nước ghi nhận 28 ca nhiễm vi rút Zika tại 7 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh 21 ca, Bình Dương 2 ca, Khánh Hòa, Phú Yên, Long An, Trà Vinh, Đăk Lăk mỗi tỉnh 1 ca./.

>>> Tác động của virus Zika đối với nam giới

>>> Phát hiện 17 trường hợp nhiễm virus Zika tại Tp. Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục