Tp. Hồ Chí Minh bắt mạch sản xuất công nghiệp-Bài 1: Chuyển dịch sản xuất công nghiệp

09:39' - 27/05/2023
BNEWS Mặc dù Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều cơ chế chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhưng khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp còn hạn chế.

Với bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, phát triển công nghiệp cần dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng hiệu quả cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giữ vai trò đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và cả nước, Tp. Hồ Chí Minh đứng trước yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo định hướng sáng tạo, bền vững, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp trên địa bàn và vùng phát triển.

 

TTXVN giới thiệu chùm bài viết: "Tp. Hồ Chí Minh bắt mạch sản xuất công nghiệp, phản ánh những nỗ lực của thành phố trong việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đồng thời, đề xuất những giải pháp và hoàn thiện cơ chế chính sách trong đẩy mạnh phát triển công nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Bài 1: Động lực thúc đẩy công nghiệp
Tp. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. Mặc dù vậy, tỷ trọng công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh trong cơ cấu công nghiệp cả nước đang có xu hướng giảm dần. Ngoài ra, thành phố cũng chủ trương hạn chế thu hút những dự án đầu tư thuộc ngành thâm dụng lao động phổ thông.
Tỷ trọng công nghiệp giảm
Hiện nay, thách thức của ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh là đang đối diện với thực trạng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP có xu hướng giảm và chững lại, quy mô ngành công nghiệp thành phố đang mất dần vị trí đứng đầu trong vùng Đông Nam bộ. Ngành công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 18% GRDP và giảm so với 10 năm trước đây; còn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chiếm 11,46% trong tổng doanh nghiệp thành phố, chiếm 34,11% lao động thành phố.
Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm, tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp công nghệ cao có tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Trong khi đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu chưa tạo ra đột phá trong phát triển công nghiệp thành phố, đồng thời chưa có lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp có năng lực dẫn dắt ngành.
Mặc dù Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều cơ chế chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhưng khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp còn hạn chế; cũng như cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa thật sự thông thoáng. Trên địa bàn thành phố còn nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu nên hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm, quy mô thu hẹp dần. ''
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, nền kinh tế bền vững phải dựa trên nền tảng công nghiệp sản xuất để đáp ứng yêu cầu nhu cầu thị trường và tránh nguy cơ phụ thuộc. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh định hướng phát triển đô thị hiện đại, công nghệ cao, vẫn ưu tiên đặt trọng tâm phát triển sản xuất công nghiệp.
Theo ông Võ Văn Hoan, không thể phủ nhận ngành công nghiệp sản xuất trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh vẫn có tỷ lệ thâm dụng lao động cao và giá trị gia tăng thấp. Trước thực trạng này, thành phố phải giải bài toán thay đổi tư duy, hành động từ Lãnh đạo các cấp, ngành... cho đến cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh và ngay cả người lao động trong chuyển đổi sản xuất công nghiệp.
Chiến lược phát triển công nghiệp của thành phố trong thời gian qua, chưa đạt được kỳ vọng định hình rõ nét vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn; cơ chế chính sách phát triển công nghiệp thường không rõ "địa chỉ trung tâm" để triển khai và định hình được mối liên kết giữa doanh nghiệp lớn, vừa và nhỉ. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự rời rạc, thiếu nền tảng của các ngành công nghiệp, kéo theo sự chậm tiến trình công nghiệp hóa - hiện địa hóa.
Nhìn lại giai đoạn từ năm 2022 đến nay, sản xuất công nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khủng hoảng tại một số nền kinh tế dẫn đầu và thị trường toàn cầu. Liên quan đến ngành công nghiệp, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng đã thông qua việc triển khai Kế hoạch số 2888 về thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2023.
Kế hoạch này đề ra nhiều nội dung thực hiện như hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Hay hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, xây dựng và vận hành cổng thông tin công nghiệp hỗ trợ...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đại Phú, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố không còn phù hợp cho những lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động với công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường... Để thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường cần có định hướng với tiêu chí rõ ràng cho những ngành công nghiệp ưu tiên; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh cần có đầu tư hạ tầng phù hợp và chính sách hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo định hướng, cũng như có cơ chế thúc đẩy những lĩnh vực không phù hợp đầu tư chuyển đổi phù hợp với định hướng phát triển. Ngoài ra, thành phố khẩn trương hoàn thiện dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu tạo nền tảng vững chắc cho phát triển các ngành công nghiệp.
Bài toán phát triển ngành

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, hoạt động phát triển công nghiệp đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng; trong đó, có thể kể đến đề án thành lập khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo, ứng dụng giải pháp công nghệ và phát triển nguồn nhân lực...
Mặc dù vậy, từ cơ chế chính sách đến công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh còn phân tán về phạm vi và lĩnh vực, nên dẫn đến thực thi chưa đạt hiệu quả cao. Tại thành phố, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn, bị hạn chế về vốn, công nghệ, nhân sự, nghiên cứu phát triển sản phẩm... vẫn nằm ngoài khu công nghiệp - khu chế xuất còn chiếm tỷ lệ lớn nên dẫn đến không gian công nghiệp dàn trải, chưa khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có đăng ký trụ sở, văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh đang ngày càng có xu hướng mở rộng ra một số tỉnh, thành lân cận. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do Tp. Hồ Chí Minh không còn nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp, trong đó có thể kể đến một trong những nguồn lực quan trọng là đất đai.
Báo cáo khảo sát nghiên cứu mới đây của Công ty NC Network Việt Nam công bố, cho thấy sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng từ bên bên ngoài, công nghiệp hỗ trợ trong nước còn kém phát triển. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước kém cạnh tranh, nhất là năng lực về các công nghệ nguồn của ngành chế biến chế tạo, là rào cản chủ yếu khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc liên kết, hình thành chuỗi cung ứng trong nước và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh thực chất vẫn đang trong quá trình dịch chuyển từ nhóm ngành thâm dụng lao động giản đơn, giá trị gia tăng thấp sang nhóm ngành có năng suất cao hơn, đòi hỏi người lao động có trình độ, kỹ năng cao hơn. Một số cơ chế chính sách hiện nay chưa phù hợp với thực tế, cũng như đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Trước bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gặp nhiều khó khăn và thách thức đan xen, Việt Nam đang dần trở thành điểm thay thế và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, dòng vốn dịch chuyển và hàng loạt tập đoàn đa quốc gia có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Tp. Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy, không chỉ doanh nghiệp chủ động chuyển mình nắm bắt cơ hội, mà nhiều địa phương như Tp. Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đẩy mạnh sự hỗ trợ về cơ chế trong việc đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ sắp xếp, cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực ưu. Theo nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, dù đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng các chương trình hỗ trợ còn mang tính dàn trải, chưa trọng điểm, nguồn lực bị phân tán và thậm chí nhiều chính sách khi thực hiện có những khó khăn nhất định nên tính khả thi không cao.
Về phía ngành công thương, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó tập trung phát triển vào 6 phân ngành công nghiệp ưu tiên làm nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác.
Định hướng giai đoạn đến 2030, Tp. Hồ Chí Minh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, công nghệ cao, định hướng xanh... Ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cũng phát triển công nghiệp bắt nhịp nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ... Lần lượt trong những giai đoạn Tp. Hồ Chí Minh đặt ra những mục tiêu phấn đấu cụ thể như tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình giai đoạn 2020-2025 đạt 7,5-8%/năm. Còn giai đoạn 2025-2030, thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình đạt 7-7,5%/năm./.
>>Bài 2: Phát huy công nghiệp trọng điểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục