TP Hồ Chí Minh: Cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

21:41' - 17/05/2016
BNEWS Trong ngày 17/5, trên dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè khu vực từ quận 1, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, nổi trên mặt nước.
Các đội dịch vụ công ích của quận và thành phố tiến hành vớt cá chết để đảm bảo vệ sinh môi trường cho tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân ban đầu được xác định là do ô nhiễm nguồn nước cục bộ, ô nhiễm hữu cơ và khí độc sau khi xuất hiện cơn mưa chiều 16/5.

Chiều tối 17/5, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, các đơn vị chức năng của Sở đã xuống hiện trường để kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước phân tích chỉ tiêu lý hóa nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn từ cầu Khánh Dư (Quận 1) đến cầu số 1 (Quận Tân Bình).

Kết quả phân tích cho thấy, chất lượng nước trên kênh giảm dần từ cầu Lê Văn Sĩ đến cầu số 1 (Tân Bình). Các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép có thể gây cá chết như nhiệt độ 34-34,4 độ C (ngưỡng giới hạn cho phép nhiệt độ phải từ 25-32 độ C); độ trong dưới 20cm (lớn hơn hoặc bằng 30cm); pH: 8,7-9,0 (6,8-8,5); NH4: 1,0mg/l (<1mg/l); NH3:0,36mg/l (0,3mg/l)…

Một số chỉ tiêu về độ mặn (0%), độ kiềm (71,6-89,5mg CaCO3/lít) nằm trong ngưỡng cho phép. Các chỉ số như PH, NH3, NH4 và nhiệt độ tăng cao hơn mức cho phép dẫn đến lượng cá chết nhiều hơn.

Theo ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả phân tích nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết cũng tương tự như vài năm gần đây.

Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cuốn theo lượng rác thải trên mặt đường cùng với nước thải sinh hoạt đổ xuống đầu nguồn đã gây nên tình trạng ô nhiễm.Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải ở kênh này hoạt động quá công suất, gây ô nhiễm cục bộ ở đầu nguồn cho tới khu vực cầu Trần Khánh Dư.

Về xử lý số cá chết, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị thành phố tập trung lực lượng, huy động trên 16 phương tiện gồm ca nô, tàu xử lý vớt cá trên sông. Đến 17 giờ ngày 17/5, các đơn vị thuộc sở đã vớt được hơn 14 tấn cá chết.

 Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại cá chết dưới kênh, kể cả cho động vật ăn.

Để xử lý ô nhiễm nguồn nước kênh tuyến kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, trong ngày 17/5, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thành phố đã thả 900 kg chất vi sinh zeolite xuống kênh. Đây là một loại khoáng chất tự nhiên, có thể kết hợp với vi sinh có lợi trong môi trường làm nước trong và hấp thụ các khí độc, giúp cải thiện môi trường nước, tăng hàm lượng oxi trong nước, đưa về ngưỡng môi trường cho phép.

Chất này cũng góp phần phân hủy bùn hữu cơ ở tầng đáy, làm cải thiện ô nhiễm hữu cơ trên dòng kênh. Điều này cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng cá chết.

Theo các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng cá chết vào thời điểm những cơn mưa đầu mùa chỉ xảy ra trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè do hệ thống xử lý quá công suất, không có hồ tích nước để xử lý. Để khắc phục, về lâu dài, thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Trung tâm chống ngập thành phố chủ trì xây dựng hồ trữ nước.

Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thành phố Hồ Chí Minh mong có sự chung tay của cả cộng đồng, không thả rác xuống dòng kênh. Đơn vị này cũng khuyến cáo người dân không nên thả cá phóng sinh vào thời điểm này (dịp lễ Phật Đản) để môi trường nước trên dòng kênh ổn định trở lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục