Tp Hồ Chí Minh có cung ứng đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh?

11:56' - 24/08/2019
BNEWS Với tổng dư nợ tín dụng khoảng 2.200.000 tỷ đồng thì Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 130.000 tỷ đồng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm.
Vốn dành cho sản xuất, kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn khá dồi dào. Ảnh minh họa: TTXVN

Liên quan đến thông tin một số tổ chức tín dụng gần hết room tăng trưởng tín dụng cả năm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh lo ngại thiếu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh nhất là đang ở giai đoạn tăng tốc sản xuất nhằm đáp ứng cho các hợp đồng cuối năm.

Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn dành cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khá dồi dào.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hết tháng 7, ngành ngân hàng thành phố tăng trưởng tín dụng khoảng 8%, trong khi mục tiêu cả năm 2019 là tăng trưởng 14%.

Với tổng dư nợ tín dụng khoảng 2.200.000 tỷ đồng thì Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn khoảng 130.000 tỷ đồng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm. “Như vậy, tại Tp. Hồ Chí Minh, hoàn toàn không có chuyện thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Minh khẳng định.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, chính sách lãi suất hiện nay của các ngân hàng cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sản xuất.

Nhiều ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… đồng loạt thông báo giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với doanh nghiệp thuộc nhóm lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp kể từ đầu tháng 8/2019. Theo đó, lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1%/năm, dao động từ 5,5%-7,5%/năm cho kỳ ngắn hạn.

Không những vậy, nhóm ngân hàng thương mại nhỏ cũng tham gia vào “sân chơi” này dù đang gặp nhiều áp lực về việc tăng lãi suất huy động.

Mới đây, Ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) thông báo tiếp tục dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ cho giai đoạn từ nay đến 31/12/2019 nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng cao dịp cuối năm một cách hiệu quả.

Lãi suất ưu đãi sẽ giảm từ 1-2,5%/năm so với lãi suất thông thường của ngân hàng này.

Ngoài ra, tại Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong nhóm ngành công nghiệp trọng yếu như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, hạ tầng và một số lĩnh vực văn hóa, xã hội khác còn được vay vốn hỗ trợ lãi suất thông qua chương trình kích cầu đầu tư của UBND thành phố.

Cụ thể, UBND Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ mức lãi suất theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền VND kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn cộng thêm phí quản lý 2%/năm.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và  Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, chương trình kích cầu đầu tư đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp lãi vay phát sinh trong quá trình các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các thiết bị công nghệ mới, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường…

Từ năm 2015 đến nay, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã phê duyệt 281 dự án thuộc chương trình kích cầu đầu tư với tổng vốn hơn 23.789 tỷ đồng. Theo đó, vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất hơn 11.209 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư một dự án gần 85 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ lãi suất của UBND Tp. Hồ Chí Minh và việc giảm lãi suất tại nhiều ngân hàng đã góp phần ổn định lãi suất để các doanh nghiệp không bị áp lực trong những tháng cuối năm. Từ đó, giúp doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Để có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay này, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, thông thường là bất động sản. Nhưng, tại Tp. Hồ Chí Minh, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay, nhiều ngân hàng trên địa bàn đã thay đổi hình thức cho vay thế chấp bằng dòng tiền, thay vì thế chấp bằng tài sản như trước đây.

“Các doanh nghiệp muốn vay thế chấp bằng dòng tiền phải minh bạch báo cáo tài chính, công khai dòng tiền và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi… để tạo sự tin tưởng của các ngân hàng. Mặc dù có nhiều rủi ro cho các ngân hàng, song hình thức cho vay này ngày càng phổ biến và hiện chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của thành phố”, ông Nguyễn Hoàng Minh bày tỏ.

UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng đang xem xét bổ sung doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia vào chương trình kích cầu đầu tư, đặc biệt là các dự án có tổng mức đầu tư lớn và có khả năng mang lại nguồn thu. Đồng thời, đề xuất cho phép nâng số vốn vay được hỗ trợ lãi suất của 1 dự án từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục