Tp. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ 30,48% tổng kế hoạch vốn giao đầu tư công

18:04' - 19/11/2022
BNEWS Tập trung giải pháp giải ngân đầu tư công và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 sát với tình hình thực tế là hai nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là nội dung được các lãnh đạo UBND và các sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh tập trung thảo luận tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2023 của UBND Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/11.

 

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2022 các lĩnh vực kinh tế thành phố có mức tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,44% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm (6-6,5%).

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán được giao. Trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022, dự kiến có 14 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt và 3 chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.

Về giải ngân đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, năm 2022, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 37.463,673 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 34.984,033 tỷ đồng.

Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước thành phố đến ngày 31/10 số vốn đầu tư công đã giải ngân là  11.418,639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,48% tổng kế hoạch vốn giao.

Đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 (31/1/2023), dự kiến giải ngân vốn đầu tư công của Tp. Hồ Chí Minh sẽ đạt 28.753,707 tỷ đồng, tương đương 76,7% tổng số vốn giao.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2022, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mang tính thường xuyên, đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ quan thực hiện, đảm bảo tối đa việc hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của thành phố.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với mức giải ngân đầu tư công thấp như hiện nay, các sở ngành, quận huyện cần rà soát lại nhiệm vụ đầu tư công trên địa bàn từ đây đến cuối năm, vướng ở đâu trực tiếp tháo gỡ ở đó.

Liên quan đến các công trình trọng điểm trong đó có dự án Vành đai 3, các đơn vị liên quan cần lưu ý mốc thời gian ngày 31/11 phải phê duyệt dự án kể cả giải phóng mặt bằng và xây lắp; vì vậy các sở ngành, quận huyện liên quan đến quy hoạch phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn thành hồ sơ, đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch đề nghị các sở ngành, quận huyện chuẩn bị tổng kết năm 2022 và xây dựng kế hoạch năm 2023 dựa trên đánh giá tình hình thực tế để xác định được trọng tâm và đưa ra giải pháp.

Cần xác định bối cảnh chung của thành phố còn khó khăn nhưng phải tìm ra dư địa để tập trung phát triển; chủ động đánh giá các vấn đề phát sinh và đưa ra giải pháp thực hiện cụ thể.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, điểm sáng lớn nhất về kinh tế - xã hội của Tp.Hồ Chí Minh trong năm 2022 là chương trình phục hồi kinh tế đạt kết quả hơn 9%. Nhưng cũng tồn tại hai điểm nghẽn là khả năng hấp thụ vốn tâm lý thị trường thời điểm hiện nay không được tốt.

Mặc dù còn gặp khó khăn nhưng kinh tế thành phố vẫn còn dư địa để phát triển, nhiệm vụ trọng tâm của Tp. Hồ Chí Minh từ nay đến hết năm 2022 là tập trung ổn định tình hình tài chính ngân hàng, hoạt động thương mại; gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ổn định nguồn cung xăng dầu; tập trung hoàn thiện Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Đối với năm 2023, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng Tp. Hồ Chí Minh nên tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, ổn định việc làm, bảo đảm an ninh xã hội, ngăn chặn nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tập trung gỡ điểm nghẽn đặc thù, các nguồn vốn đầu tư.

Để thực hiện các mục tiêu trên, cần nâng cao trách nhiệm của bộ máy hành chính công vụ các cấp, đẩy nhanh các công trình trọng điểm quốc gia, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức gắn với phát triển khoa học công nghệ.

Căn cứ vào dự báo của Viện nghiên cứu phát triển, Tiến sĩ Trần Du Lịch khuyến nghị Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khoảng 7,5 %./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục