Tp. Hồ Chí Minh liên kết ngành hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu

16:39' - 18/01/2022
BNEWS Tác động của dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020.

Đây là thông tin được đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh COVID – 19” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Sở Công thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18/1.

 

Theo đánh giá của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều có kim ngạch giảm như Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%...Việc kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đang được triển khai tốt nhưng hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp khó có thể sớm phục hồi.

Cụ thể, những vấn đề về nhân công, tài xế, kho bãi, giá cước vận tải biển tăng cao, tình trạng thiếu hụt container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở... vẫn đang khiến nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, xuất nhập khẩu đối mặt áp lực lớn. Trong khi đó, ngày càng nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung đang có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều pháp để phòng chống dịch COVID-19, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, trước bối cảnh nêu trên, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo này là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp... cùng trao đổi, nhận diện những khó khăn, thách thức, tháo gỡ vướng mắc, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất phục vụ xuất khẩu.

"Hội thảo được tổ chức ngay từ đầu năm 2022 còn cho thấy sự chủ động của ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan trong việc triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp liên ngành như Hải Quan, Hiệp hội doanh nghiệp... trên địa bàn về xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi thương mại... trong bối cảnh COVID-19", ông Lê Huỳnh Minh Tú nhấn mạnh.

Theo Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân là 9,5%/năm trong giai đoạn 2021–2025 và 9%/năm trong giai đoạn 2026–2030. Kim ngạch xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025 ước đạt 70 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 108 tỷ USD.

Cũng theo Đề án này, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại Tp. Hồ Chí Minh hiện còn một số hạn chế như thủ tục hành chính của hải quan, kiểm tra chuyên ngành dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn bị doanh nghiệp đánh giá là chưa tiện lợi. Vì vậy, cải cách và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần được đẩy mạnh, nhất là trong định hướng phát triển Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của cả vùng phía Nam.

Còn Dự án USAID TFP do USAID tài trợ với tổng vốn hơn 21,7 triệu USD thời gian thực hiện trong 5 năm (2018-2023). Mục tiêu tổng thể của Dự án USAID TFP là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phù hợp với chuẩn mục quốc tế, nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (FTA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO TFA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong 6 tỉnh, thành được lựa chọn triển khai Dự án USAID TFP, Tp. Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm được quan tâm hàng đầu về tạo thuận lợi thương mại và thành lập Ban tạo thuận lợi thương mại tại địa phương.

Thời gian qua, dự án USAID TFP đã triển khai các báo cáo “Cải thiện hoạt động thương mại và logistics tại cảng Cát Lái và khu vực lân cận tại Tp. Hồ Chí Minh”; tổ chức đa dạng hoạt động đào tạo liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

Theo bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh và đây là lý do USAID thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại” (Dự án USAID TFP) luôn xem Tp. Hồ Chí Minh là đối tác chiến lược trong những hoạt động tạo thuận lợi thương mại. Tại hội thảo lần này, USAID kỳ vọng thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hữu quan.

"Trên cơ sở này, các bên liên quan sẽ chung tay thực hiện hiệu quả những giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, với sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tác trong và ngoài nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 còn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực”, bà Ann Marie Yastishock chia sẻ thêm.

Còn ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý Hải quan, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, với tình hình xuất khẩu của thành phố trong bối cảnh COVID-19 cần tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua biên giới theo cam kết quốc tế. Trong đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước cải cách thể chế, chuyển đổi số trong thủ tục hành chính, nâng cấp và bắt buộc sử dụng cổng thông tin một cửa quốc gia...

Ghi nhận ý kiến một số Hiệp hội doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh cũng cho hay, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng được hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại ở nước ngoài... Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp cận các FTA mà Việt Nam tham gia thông qua hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để tạo "bệ phóng" cho doanh nghiệp vượt khó, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho ngành này thì phải có sự hỗ trợ tổng thể từ chính sách, chuỗi cung ứng, vốn, giảm thuế phí và nghiên cứu thị trường. Ngoài ra, ngành công thương khẩn trương phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử... đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như tiêu chuẩn và quy định của nước nhập khẩu.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra việc cần nghiên cứu, dụ báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng trên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước với sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện xúc tiến thương mại vào những thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Về phía Chính phủ và bộ, ngành, các chuyên gia đề xuất, chủ động nêu vấn đề về hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại các diễn đàn khu vực, từ đó tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia và thực hiện thủ tục về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại.

Điển hình, như tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác hoặc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra giữa cơ quan chức năng Việt Nam và các nước đối tác có FTA, hướng đến giảm bớt thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục