Tp. Hồ Chí Minh lý giải về các dự án nổi cộm trên địa bàn

19:04' - 06/12/2018
BNEWS Chiều 6/12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 12 HĐND (nhiệm kỳ IX), lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giải trình thêm về một số dự án nổi cộm trên địa bàn hiện nay.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian qua, thành phố đã tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương liên quan đến các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), Khu Công nghệ cao (quận 9), Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi), khu đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1), 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1)...

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Kết luận thanh tra, khởi tố các vụ án đã giúp thành phố nhận rõ hơn khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế trong việc quản lý điều hành, tuy nhiên cũng có phần làm giảm đi sự năng động của đội ngũ công chức thành phố trong việc giải quyết thủ tục hành chính; ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường đầu tư - ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.

Ngoài ra, việc tạm dừng xem xét sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) của Bộ Tài chính cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án hạ tầng mà thành phố đang kêu gọi tư nhân tham gia; ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Năm qua, 7 dự án sử dụng vốn vay của Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạt 2% (102 tỷ đồng) trong kế hoạch hơn 4.000 tỷ đồng.

Trước đó, báo cáo trước HĐND thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong 43 năm qua, vấn đề quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển thành phố nhưng vẫn là khâu yếu kém cần xem xét đánh giá.

Do vậy, khi rà soát vấn đề cụ thể, UBND thành phố phải tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung. Hiện thành phố đã có chủ trương và đang triển khai các bước giới thiệu tự chọn tư vấn để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung.

Trước mắt, UBND thành phố chỉ đạo quy hoạch phải đảm bảo tính khả thi. Đối với những dự án “treo”, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND 24 quận, huyện rà soát lại một lần nữa (có khoảng 188 dự án). Thành phố sẽ công bố và thu hồi các dự án này để triển khai thực hiện những mục tiêu trọng điểm khác.

Với những dự án kéo dài nhưng không thể bỏ được như công trình rạch Xuyên Tâm, Thanh Đa – Bình Quới, Vành đai 3…, thành phố đã bàn giải pháp tách gói đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng quỹ đất để triển khai ngay.

Đối với những dự án đang thanh tra, thành phố đã có văn bản báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và xin rà soát lại lần nữa; phân loại những dự án nào không liên quan, ảnh hưởng đến công tác thanh tra thì tháo gỡ để triển khai (hiện có khoảng 99 dự án).

Còn những dự án quy hoạch hẻm, công viên cây xanh, trường học không phù hợp, thành phố sẽ mạnh dạn điều chỉnh. Đối với những dự án không phù hợp với quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, UBND thành phố đã báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy và yêu cầu chuyển đổi.

Riêng về dự án chống ngập do triều cường quy mô 10.000 tỷ đồng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho hay vẫn đang vướng về thủ tục giải ngân. Do đây là dự án triển khai theo hình thức BT, có sự hợp tác giải ngân giữa Ngân hàng BIDV, UBND thành phố và Trung Nam Group nên hiện thành phố đang khẩn trương rà soát lại để có cơ chế xác nhận 3 bên cho phù hợp./.

Xem thêm:

>>Tp. Hồ Chí Minh: Có dự án kéo dài 18 năm chưa thực hiện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục