Tp Hồ Chí Minh mở dần các hoạt động kinh tế theo tình hình kiểm soát dịch

16:30' - 16/11/2021
BNEWS Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, các hoạt động kinh tế, xã hội phải mở dần dần theo tình hình kiểm soát dịch.

Sau hơn 1 tháng Thành phố Hồ Chí Minh ngưng giãn cách xã hội, số ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng tăng cao, tỷ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết 128) Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Chính quyền Thành phố đang theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh và chủ động các phương án phòng, chống dịch linh hoạt.

* Tăng nhẹ số ca chuyển nặng và tử vong

Trước khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngày 30/9/2021 UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, từ ngày 1/10, Thành phố ngưng giãn cách xã hội nhưng vẫn duy trì và nhất quán 3 mục tiêu là tiếp tục kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19, kéo giảm số ca nhập viện và tử vong đến mức thấp nhất, tăng cường hệ thống y tế cơ sở; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội Thành phố an toàn, linh hoạt, hiệu quả, mở rộng các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội; đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Ngày 11/10/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong đó có nội dung quan trọng là phân loại cấp độ dịch để áp dụng các biện pháp tương ứng.

Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, tính đến ngày 15/11, Thành phố Hồ Chí Minh xác định cấp độ dịch cấp 2 đối với cấp Thành phố.

Đối với cấp độ quận, huyện, thành phố Thủ Đức, cấp độ 1 có 10/22 địa phương (giảm 3 địa phương so với tuần trước), cấp độ 2 có 11/22 địa phương (tăng 4 địa phương gồm Quận 11, Gò Vấp, huyện Củ Chi, thành phố Thủ Đức), cấp độ 3 có 1/22 địa phương (huyện Cần Giờ). Đối với cấp phường, xã, thị trấn, cấp độ 1 có 161/312 địa phương, cấp độ 2 có 146/312 địa phương, cấp độ 3 có 5/312 địa phương. 

Cụ thể các tiêu chí cấp độ dịch, báo cáo của Sở Y tế Thành phố cho thấy: Theo tiêu chí tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng (tiêu chí 1), tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần trên địa bàn Thành phố (trong 2 tuần, tính từ ngày 29/10 – 12/11) là 79,4, đạt mức độ 3 (50<150).

Về tiêu chí độ bao phủ vaccine (tiêu chí 2), tính đến ngày 12/11 tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn Thành phố đạt 99,77%, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 là 96,49%.

Trong khi đó về tiêu chí đảm bảo khả năng thu dung, điều trị (tiêu chí 3), hiện nay Thành phố đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực, sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng màu đỏ).

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến sáng 16/11, Thành phố có 1.165 ca nhiễm mới, tính đến nay Thành phố Hồ Chí Minh có 445.696 ca nhiễm được công bố, trong đó, 17.204 ca tử vong.

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, từ 1 tuần trở lại đây một số địa phương trên địa bàn Thành phố có số F0 tăng cao, như huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức, Quận 12, quận Gò Vấp. Đối với tình hình thu dung, điều trị, từ ngày 1/10 đến nay số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng, các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp.

Số ca tử vong tại Thành phố dao động trong khoảng 40 ca/ngày, trong đó, trường hợp tử vong trên 65 tuổi chiếm 52%, tử vong do COVID-19 kèm bệnh nền chiếm 85%.

Trước thực trạng này, Sở Y tế Thành phố kiến nghị việc triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0. Bên cạnh đó, về giải pháp y tế, vừa qua Thành phố đã ra mắt Đội đặc nhiệm kiểm dịch cùng Tổ chuyên trách điều phối Trạm Y tế lưu động; phát hành tờ rơi “Những điều cần biết cho F0 cách ly tại nhà” gửi đến các quận, huyện; kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”; đề xuất UBND Thành phố cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.

* Theo dõi sát sao

Đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh những ngày gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, số F0 trên địa bàn Thành phố đang tăng, nhiều hơn số liệu đã thống kê, không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng. Riêng tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, nguyên nhân thấy rõ nhất F0 tăng là do Thành phố không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn.

Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển tại các Khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát,… Vì vậy, Sở Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá. Riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm. 

Về giải pháp củng cố hệ thống y tế, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện các quy định, trong đó cần đề cập chế độ chính sách trạm y tế, tổ y tế cộng đồng, phương án huy động sức mạnh các nguồn lực công, tư, thiện nguyện cũng như quy định rõ về vaccine, xét nghiệm, thuốc, đường dây nóng, công tác thu dung điều trị…

“Thành phố đã có tỷ lệ phủ vaccine cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng, chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn nhưng không vì thế mà chủ quan, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả. 

Các địa phương cần xác định quản lý, chăm sóc F0 tại nhà là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn thích ứng hiện nay, cần rà soát, thống kê đầy đủ, có phương thức kiểm soát, tư vấn, hỗ trợ về y tế đối với các trường hợp F0, đồng thời sớm phục hồi các bệnh viện dã chiến, khu thu dung điều trị F0, tập trung những đối tượng F0 là lao động tự do, sống tại những khu vực không đảm bảo điều kiện cách ly”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cụ thể về công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, mặc dù số ca nhiễm tăng nhưng số ca nặng, ca tử vong vẫn trong theo dõi và kiểm soát. Thành phố đang theo dõi sát sao, nghiên cứu và thường xuyên cập nhật các kế hoạch phòng chống dịch với những kịch bản, giải pháp phù hợp.

Thành phố thực hiện nhất quán quan điểm của Nghị quyết 128 của Chính phủ là thích ứng an toàn, sống trong điều kiện có dịch, phải kiểm soát được dịch. Khi mở cửa và giao thương, khả năng tiếp xúc nhiều, chắc chắn ca nhiễm sẽ tăng.

Để chuẩn bị cho thực tế này, Thành phố tiếp tục củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở đồng thời có cơ chế cảnh báo dịch bệnh, tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những cách thức để thích ứng an toàn.

* Nỗ lực hoàn thành "mục tiêu kép"

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, các hoạt động kinh tế, xã hội phải mở dần dần theo tình hình kiểm soát dịch. Cho đến lúc này, sau hơn một tháng ngưng giãn cách, Thành phố vẫn chưa thể mở lại hết các hoạt động kinh tế - xã hội như trước.

Thành phố đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch vừa dần mở các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Sau nhiều tháng giãn cách, các hoạt động xã hội, sinh hoạt người dân trở lại bình thường trong điều kiện mới. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi, nhiều lĩnh vực đạt 70-90%. Thành phố đang dần trở lại trong sự năng động vốn có, đúng vị thế của mình.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, hiện nay Thành phố đang hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế với 2 giai đoạn chính: Phục hồi và phát triển. Cụ thể, giai hồi phục từ tính từ nay đến tháng 6/2022, Thành phố sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế nhất là khối cơ sở và dự phòng, đảm bảo năng lực, các biện pháp y tế về phòng chống dịch, làm nền tảng phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội;

Đồng thời tập trung khắc phục những đổ gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp gia nhập lại thị trường, phục hồi những hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung chăm lo về an sinh xã hội, việc làm, sinh kế cho người dân. 

Trong giai đoạn phát triển (sau tháng 6/2022), Thành phố sẽ tập trung tái cơ cấu kinh tế, quản trị thành phố, triển khai giải pháp khắc phục các vướng mắc. Thành phố đã xây dựng 11 chiến lược thành phần trong đó có thể kể đến chiến lược y tế chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, chiến lược huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố, chiến lược cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, chiến lược đảm bảo an sinh xã hội…

Trong khi đó, thông tin về hoạt động sản xuất sau hơn 1 tháng ngưng giãn cách xã hội, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đến nay đã có 100% số doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao hoạt động trở lại, số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động cũng đạt trên 96% và hơn 90% doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp khôi phục hoạt động.

Thành phố đã thí điểm cho phép các quán ăn, nhà hàng phục vụ thức uống có cồn tại thành phố Thủ Đức và Quận 7. Hiện một số sở ngành cũng đã đề xuất UBND Thành phố cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát cụ thể, đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19…

Diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang còn hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu và hầu khắc các địa phương của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua đợt bùng phát thứ 4 dịch COVID-19 với nhiều thiệt hại nặng nề chưa từng có. Tuy nhiên với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của người dân, vào thời điểm trước mắt Thành phố đang thực hiện nghiêm, thực hiện đúng hướng và có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Điều này sẽ góp phần quan trọng vào thắng lợi chung nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của cả nước mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra cho cả năm 2021, trong đó chắc chắn không thể thiếu vai trò “đầu tàu” kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục