Tp. Hồ Chí Minh: Nguồn cung trái vải sớm dồi dào

16:29' - 08/06/2018
BNEWS Ghi nhận tại Tp. Hồ Chí Minh từ đầu tháng 6 đến nay, nguồn cung mặt hàng trái vải về thị trường thành phố bắt đầu tăng và được bán buôn phổ biến.
Giá trái vải sớm tại các chợ truyền thống ở TP.HCM dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Tuy nhiên, các thương nhân và đơn vị kinh doanh cho biết, hiện tại mặt hàng này đang được phân phối trên thị trường hầu hết là chủng loại trái vải sớm, còn vải thiều thì hiện tại rất hiếm và phải đầu tháng 7 thì nguồn cung mới dồi dào.

Ông Trương Minh, thương nhân chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 cho biết, do mặt hàng trái vải về thị trường thành phố được vận chuyển qua nhiều phương tiện và khâu trung gian nên có giá chênh lệch nhất định.

Bởi trái vải là mặt hàng khó bảo quản sau thu hoạch và trong quá trình vận chuyển tốn kém chi phí và hư hao khá nhiều. Do đó, khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng thì giá thành cũng bao gồm tất cả những chi phí đó.

Cụ thể, tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại các chợ truyền thống như trái vải sớm (thường được gọi là hàng lạnh được vận chuyển bằng đường bộ) có giá dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg; trái vải sớm (hàng nóng được vận chuyển bằng đường hàng không) là 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Còn tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố, giá bán lẻ trái vải dao động từ mức 37.500 -39.900 đồng/kg.

Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại LOTTE Việt Nam (LOTTE Mart Việt Nam) cho hay, trái vải sớm từ đầu vụ được hệ thống siêu thị này bán lẻ đến tay người tiêu dùng với giá 69.900 đồng/kg.

Nhưng đến thời điểm này nguồn cung trên thị trường dồi dào thì giá bán tại khu vực miền Nam chỉ còn là 39.900 đồng/kg. Dự kiến trong mùa trái vải năm 2018, tại hệ thống LOTTE Mart có thể đạt mức tiêu thụ khoảng 50 tấn.

Bên cạnh mạng lưới chợ truyền thống, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị... thì mặt hàng trái vải mùa năm 2018 cũng được kinh doanh, bán buôn sôi động trên các kênh mua sắm trực tuyến, mạng xã hội. Trong đó, giá bán mặt hàng trái vải được bán qua các kênh này thường cao hơn các kênh truyền thống từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân giá bán cao giá thị trường, một đơn vị kinh doanh mua sắm trực tuyến cho rằng, hàng hóa của họ đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và lấy tại nguồn. Do đó, người tiêu dùng không chỉ an tâm về chất lượng và an toàn thực phẩm, mà còn đảm bảo về độ tươi ngon cũng như có thể bảo quản vài ngày.

Tuy nhiên, theo chuyên gia khuyến cáo, đối với sản phẩm lương thực - thực phẩm nói chung, mặt hàng trái vải nói riêng, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn địa điểm mua sắm cũng như cân nhắc nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Mặc dù, mặt hàng trái vải chủ yếu có nguồn cung từ khu vực phía Bắc, nhưng trong những năm gần đây trái vải cũng được trồng tại một số khu vực khác.

Đặc biệt, đối với kênh mua sắm trực tuyến, tuy tiện lợi với giao hàng tận nơi, nhưng chi phí cao và có thể không hợp lý sẽ làm đội giá thành sản phẩm.

Cụ thể, khó kiểm chứng được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nên không thể kiểm soát được giá cả và khi xảy ra vấn đề về chất lượng, an toàn thực phẩm thì cũng khó truy cứu trách nhiệm đơn vị bán.

Đồng thời, người tiêu dùng cần cảnh giác với những lời "mời chào" hàng hóa chất lượng, nguồn cung đảm bảo... của đơn vị bán buôn, kinh doanh nhằm tăng giá thành sản phẩm./.

>> Mỗi ngày có khoảng 1.200 tấn vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục