Tp.Hồ Chí Minh phấn đấu đưa tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo kênh phân phối hiện đại đạt 60%

10:41' - 19/05/2018
BNEWS Tp.Hồ Chí Minh cũng đề ra các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch như đối với mạng lưới chợ, xây dựng, hoàn thiện các công trình phụ trợ như bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng…
Người dân lựa chọn hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Định hướng giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6,82% đến 9,06%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 6,77% đến 9,34%/năm.

Đồng thời, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại đến năm 2030 đạt tối thiểu 60%. Đây là mục tiêu của Tp.Hồ Chí Minh trong “Quy hoạch phát triển ngành thương mại Tp.Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND Tp.Hồ Chí Minh ban hành.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, đóng góp của ngành dịch vụ đạt tối thiểu 58% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn). Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8,55% đến 11,53%/năm và tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 7,78% đến 10,88%/năm. Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10,89% đến 14,02%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 11,6% đến 12,52%/năm. Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại đến năm 2025 đạt tối thiểu 50%.

Để đạt các mục tiêu trên, Tp.Hồ Chí Minh cũng đề ra các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch như đối với mạng lưới chợ, xây dựng, hoàn thiện các công trình phụ trợ như bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng… Đồng thời, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất hạ tầng chợ đã xuống cấp, phát huy hết công suất hoạt động của các chợ hiện hữu; tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ mua bán ở chợ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình phân phối khác. Rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ chợ đối với những chợ hoạt động không hiệu quả.

Đối với siêu thị và trung tâm thương mại, thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh chóng để đến năm 2025 - 2030 hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam. Xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2020 trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của dự án cụ thể.

Đối với cửa hàng bán lẻ, thành phố khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại các khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế, đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát. Khuyến khích các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang các mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Theo ngành công thương Tp.Hồ Chí Minh, hiện mạng lưới phân phối trên địa bàn thành phố có 239 chợ; trong đó có 3 chợ đầu mối, 14 chợ hạng I, 54 chợ hạng II, còn lại là chợ hạng III và chợ tạm. Riêng hệ thống siêu thị, thành phố có 207 siêu thị, có 43 trung tâm thương mại. Ngoài ra, hiện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã có hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini phủ khắp khu vực nội – ngoại thành.

Tổng diện tích của các cửa hàng này đạt 272.000 m2 sàn toàn thành phố. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bán lẻ thành phố đã phát triển mạnh mẽ với nhiều kênh thương mại hiện đại ngày càng trở nên phổ biến, tạo nhiều điểm mua sắm đa dạng cho người dân thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục