Tp. Hồ Chí Minh: Sẽ khó hoàn thành thu ngân sách Trung ương giao

16:44' - 01/11/2018
BNEWS Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu tốc độ phát triển kinh tế thành phố không đạt 8,3% cho cả năm 2018 thì sẽ khó hoàn thành thu ngân sách Trung ương giao 376.780 tỷ đồng.
Nếu tốc độ phát triển kinh tế thành phố không đạt 8,3% cho cả năm 2018 thì sẽ khó hoàn thành thu ngân sách. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Những tháng cuối năm 2018, mặc dù hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đã đạt hoặc có thể đạt theo kế hoạch nhưng áp lực thu ngân sách đối với Tp. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước vẫn rất nặng nề.

Phân tích thêm về vấn đề này tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2018 do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 1/11, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu tốc độ phát triển kinh tế thành phố không đạt 8,3% cho cả năm 2018 thì sẽ khó hoàn thành thu ngân sách Trung ương giao 376.780 tỷ đồng.

Báo cáo tại hội nghị, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong 10 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố ước đạt 860.358 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố đạt 31,3 tỷ USD, tăng 7,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 38,3 tỷ USD, tăng 8,8%; tổng lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 6,1 triệu lượt khách, tăng 20,2%.

Thu chi ngân sách trong 10 tháng, mức tổng thu đạt 306.387 tỷ đồng, bằng 81,32% dự toán và tăng 9,89% so với cùng kỳ; chi ngân sách địa phương đạt khoảng 45.500 tỷ đồng.

Thành phố có 35.585 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 450.000 tỷ đồng, tăng 5,2% số lượng doanh nghiệp và bằng 95,4% vốn đăng ký so cùng kỳ.

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Phạm Thành Kiên cho hay, kinh doanh thương mại phát triển ổn định. Trong 10 tháng đã có 60.000 lượt doanh nghiệp đăng ký chương trình khuyến mãi, riêng 2 tháng cuối năm có khoảng 24.000 lượt hồ sơ đăng ký.

Đây chính là nhân tố kích thích người tiêu dùng mua sắm, qua đó, đóng góp cho doanh thu bán lẻ hàng hoá.

Từ nay đến hết năm 2018, Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện nguồn hàng hoá phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019, dự kiến tăng 20%.

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố xác nhận tham gia chương trình bình ổn giá trước và sau Tết Nguyên đán 1 tháng.

Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm nên lãnh đạo các đơn vị động viên, phát động đợt thi đua nước rút; trong đó, các ngành thuế, hải quan, kho bạc cần theo dõi sát thu chi ngân sách, tăng cường chống thất thu, nợ thuế; đồng thời, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để đạt chỉ tiêu thu ngân sách mà Trung ương đã giao.

Đặc biệt, Sở Công Thương cần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại, cung ứng hàng Tết những tháng còn lại. Trước mắt, trong tháng 11/2018 tổ chức cuộc gặp giữa các nhà bán lẻ thành phố và một số doanh nghiệp sản xuất để kết nối, đảm bảo hàng hoá đến được với người tiêu dùng.

Sở Du lịch đa dạng hoá sản phẩm để thu hút khách; đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu chiến lược du lịch đường thuỷ để khai thác thế mạnh sông nước.

Nguồn lực đất đai vốn là lĩnh vực đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách, ông Nguyễn Thành Phong nhận định, thời gian qua có tình trạng thành phố giao đất nhưng doanh nghiệp không triển khai hoặc chậm triển khai mà sang nhượng lại cho đơn vị khác như trường hợp ở Quận 2 dẫn đến tình trạng xâm lấn, gây bức xúc dư luận.

Cùng đó, nhiều doanh nghiệp phàn nàn về thủ tục hành chính chậm chạp khiến dự án không triển khai, gây phát sinh tiền lãi; thậm chí, thành phố cũng không thu được tiền sử dụng đất.

Một số doanh nghiệp nhà nước được giao đất nhưng sử dụng sai công năng, đem cho thuê sai quy định. Vì thế sẽ phải khẩn trương thu hồi, tiến hành bán đấu giá công khai để tăng nguồn thu ngân sách.

Đối với những dự án đã được giao đất mà không triển khai, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị nhanh chóng thu hồi; dự án chậm xây dựng phải phạt nặng để thúc doanh nghiệp triển khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục