Tp. Hồ Chí Minh sớm tận dụng cơ chế mới để huy động nguồn lực cho hạ tầng giao thông

12:17' - 13/07/2023
BNEWS Trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tp. Hồ Chí Minh tập trung triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nguồn vốn hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch khiến nhiều dự án hạ tầng giao thông chưa thể triển khai. Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh sẽ là cơ hội để thành phố hướng đến hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thành phố đã ban hành danh mục các dự án, công trình giao thông trọng điểm cấp bách với tổng kinh phí dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 266.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách thành phố là 92.000 tỷ đồng (chiếm 34,6%), vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỷ đồng (chiếm 65,4%).

Giai đoạn 2021-2023, Thành phố đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 công trình, dự án góp phần kéo giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Nổi bật là các công trình trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký, đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Bưng, cầu Phước Lộc...

Các tuyến đường khu vực cửa ngõ được thành phố chú trọng đầu tư để mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội. Đường Đặng Thúc Vịnh (Tỉnh lộ 9) trên địa bàn huyện Hóc Môn trước đây khá chật hẹp, mặt cắt ngang chỉ khoảng 6-8 m và thường xuyên ngập nước. Sau khi đầu tư và hoàn thành tháng 4/2022, tuyến đường dài hơn 5 km này đã rộng lên 30 m với hệ thống điện, nước, thoát nước hoàn chỉnh giúp kết nối thuận lợi với huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương.

Bà Nguyễn Thị Hà (buôn bán tại đường Đặng Thúc Vịnh, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) chia sẻ: Trước đây khu vực này thường xuyên ngập nước vào mùa mưa. Đường lầy lội, nhiều “ổ gà”, “ổ voi” và có nhiều xe tải chạy qua nên rất nguy hiểm. Từ khi có tuyến đường mới, khu vực này “tươi sáng” hẳn và sầm uất hơn. Đường thoáng, vỉa hè rộng nên thuận lợi cho kinh doanh buôn bán của người dân.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, giao thông thành phố có nhiều tín hiệu vui khi đảm bảo phát triển kinh tế thành phố và là đầu mối giao thông lớn của vùng Đông Nam bộ. Vành đai 3, dự án lớn nhất từ trước đến nay của Tp. Hồ Chí Minh với 75.000 tỷ đồng, được Quốc hội giao chủ trì và quyết định đầu tư. Sau một năm, thành phố đã hoàn thành khâu tổ chức với số lượng giải phóng mặt bằng kỷ lục và dự án cũng đã khởi công ngày 18/6 vừa qua.

Cùng với đầu tư các công trình, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 1/4/2022. Tính đến ngày 31/5/2023, thành phố đã thu được 2.665 tỷ đồng. “Những năm qua, Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện được nhiều chính sách tạo sự đồng thuận, hiệu quả, ví dụ như thu phí hạ tầng cảng biển. Hiện mỗi ngày, thành phố thu được trung bình 6 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng đầu tư cho các công trình kết nối cảng biển”, ông Trần Quang Lâm chia sẻ.

Dù vậy, theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được thành phố thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông theo các chỉ tiêu, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đề ra và Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2030 đã phê duyệt.        

Thực tế thời gian qua, một số công trình trọng điểm chậm được triển khai so với kế hoạch như khép kín Vành đai 2, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên... do khó khăn về nguồn vốn. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực giao thông vận tải khoảng 75.760 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,5% so với nhu cầu.

Theo ông Trần Quang Lâm, đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ, Thành phố nhận thấy nguồn lực dành cho giao thông so với kế hoạch thực hiện chỉ đạt 30%, đó là nguyên nhân thực hiện các dự án và thực hiện quy hoạch chậm. Ngoài ra, một số dự án có nguồn lực nhưng triển khai thực hiện không đạt tiến độ, nguyên nhân lớn nhất nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư.

Do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, không còn một số hình thức vốn phù hợp với thực tiễn của Tp. Hồ Chí Minh như trước đây, nên chưa huy động được các nguồn lực nguồn lực xã hội. Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, nguồn vốn huy động từ xã hội hóa còn chậm, chưa có sức hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, trong khi chi phí giải phóng mặt bằng lớn nên phương án tài chính khó khả thi. Khâu bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra, dẫn đến một số công trình, dự án trọng điểm, cấp bách triển khai chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng thi công.

Trong phần còn lại của nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tp. Hồ Chí Minh phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã đề ra. Cụ thể, đến hết năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị ước đạt 15%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố ước đạt 2,5 km/km2.

Theo Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của thành phố là rất lớn, nếu tổng hợp đầy đủ đến năm 2030 cần khoảng 960.000 tỷ đồng. Ngân sách không thể đảm bảo đáp ứng đầy đủ được, mà cần kết hợp, phát huy các nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua hình thức PPP mà Nghị quyết 98/2023/QH15 đã cho cơ chế, thành phố cố gắng thực hiện tốt các cơ chế này để bổ sung nguồn vốn.

Phát triển hạ tầng giao thông đi liền với hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistic…; trong đó, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) là tiêu biểu cho kết hợp này. Muốn làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là phải đưa vào quy hoạch và có chính sách để phát huy. - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh. Thời gian tới, UBND Thành phố cho biết sẽ chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải; đồng thời rà soát, tham mưu đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch; trong đó, tập trung nghiên cứu đề xuất bổ sung quy hoạch tuyến mới kết nối cảng biển và kết nối vùng, quy hoạch, mô hình TOD.

Ông Trần Quang Lâm cho biết, hiện thành phố đang học tập triển khai kinh tế giao thông và đã thành lập tổ nghiên cứu phát triển đô thị theo mô hình TOD. Thành phố sẽ nghiên cứu quy hoạch xung quanh các nút giao của Vành đai 3 và các tuyến giao thông, quy hoạch xung quanh các nhà ga metro… nhằm phát huy hiệu quả, tạo thêm quỹ đất dọc theo tuyến đường, giúp tạo cảnh quan, không gian và kêu gọi đầu tư, phát huy được quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông.

Thành phố sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông vận tải trọng điểm, chiến lược cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023-2030; trong đó ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, kết nối vùng, tuyến giao thông trục chính, khu vực cảng biển.

Cùng với việc ưu tiên các dự án trọng điểm đã khởi công để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư cho dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng như Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; mở rộng cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương; xây dựng cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Tiên, Nguyễn Khoái; đường trên cao số 1, số 5; xây dựng cảng container trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Những kết quả đạt được về phát triển hạ tầng giao thông của thành phố thời gian qua rất tích cực, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm kỳ, Tp. Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng giao thông; trong đó, việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để huy động nguồn lực xã hội theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn là một trong những “lời giải” cho bài toán này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục