Tp. Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp Hàn Quốc

21:01' - 16/08/2023
BNEWS Các vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại là “kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ”, giấy phép lao động cho người nước ngoài, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng…

Vướng mắc trong thủ tục xuất nhập khẩu, quy trình hoàn thuế hay thủ tục cấp phép lao động, giấy phép kinh doanh… là những nội dung được các doanh nghiệp Hàn Quốc phản ánh tại Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp Hàn Quốc do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, chiều 16/8.

Ông Choi Bun Do, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM) cho biết, sau cuộc đối thoại với lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh năm 2022, có 13/21 đề xuất vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã được thành phố tháo gỡ, đặc biệt là phương án xử lý kịp thời vấn đề thu phí hạ tầng cảng biển.

 

Ngoài 8 vấn đề chuyển từ năm 2022, KOCHAM cũng ghi nhận thêm 15 vướng mắc mà doanh nghiệp Hàn Quốc gặp phải trong năm 2023 để cùng trao đổi, thảo luận để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp. Các vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại là “kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ”, giấy phép lao động cho người nước ngoài, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng…

Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Hansoll Vina chia sẻ, theo nội dung dự thảo sửa đổi quy định về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ của Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không còn được hưởng ưu đãi miễn thuế, dù doanh nghiệp được hưởng ưu đãi này trong thời gian qua thông qua hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ liên quan đến hoạt động gia công xuất khẩu. Điều này sẽ phát sinh nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như tăng gánh nặng thuế quan, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào và tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị trước khi thực hiện việc sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ, các cơ quan có thẩm quyền nên cân nhắc những khó khăn mà các doanh nghiệp liên quan phải đối mặt.

Về vấn đề này, Cục Hải Quan Tp. Hồ Chí Minh thông tin, Tổng cục Hải quan đã và đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan). 

Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan, tích cực nghiên cứu, phân tích để có đánh giá tổng thể việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ từ trước đến nay nhằm đảm bảo tính pháp lý, tránh xáo trộn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Đối với các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp Hàn Quốc tại hội nghị này, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp để báo cáo Tổng cục Hải quan.

Liên quan đến vấn đề hoàn thuế, ông Youn Chel Woon, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex cho biết, năm 2020, nhà máy SAMSUNG SEHC đã xin phép chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp thông thường sang loại hình doanh nghiệp chế xuất (EPE). Đến ngày 1/5/2021, nhà máy chính thức được phê duyệt trở thành doanh nghiệp chế xuất (EPE). Tuy nhiên, thời điểm trước và sau khi được chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp chế xuất đã phát sinh vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Từ tháng 7/2022, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện việc kiểm tra trước hoàn thuế trong vòng 2 tháng để đánh giá tính phù hợp của việc hoàn thuế, có 2 lần gửi công văn báo cáo kết quả kiểm tra cho Tổng cục Thuế để kiến nghị hướng dẫn quyết định cuối cùng về việc hoàn thuế. Ngày 3/7 vừa qua, Tổng cục Thuế đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các bên liên quan, nhưng sau 1 tháng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra để thi hành.

Như vậy, tính từ thời điểm bắt đầu phát sinh tiền thuế VAT chưa được hoàn đến nay đã hơn 2 năm, công ty vẫn chưa được hoàn thuế VAT, tổng cộng khoảng 44 triệu USD (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề của Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex đã được Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh rà soát và báo cáo với Tổng cục Thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xem xét để xác định việc thực hiện hoàn thuế từ cơ quan thuế hay cơ quan hải quan để tiến hành các thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Lee Jin Seop, Trưởng Đại diện GS Engineering & Construction Corp cho hay, các vấn đề vướng mắc của GS E&C gồm: xem xét lại giá đất khu đô thị mới tại Nhà Bè, chậm trễ quyết toán chi phí xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (TBO) đã được đề cập từ cuộc đối thoại lần trước, nhưng chưa được tháo gỡ. Công ty kiến nghị Tp. Hồ Chí Minh sớm thành lập Tổ công tác giải quyết các kiến nghị một cách hiệu quả.

Ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi chia sẻ, một số vấn đề được doanh nghiệp đề cập, phản ánh từ lần đối thoại trước vẫn chưa được giải quyết triệt để do tính chất vấn đề phức tạp, vượt quá thẩm quyền giải quyết của Tp. Hồ Chí Minh nên cần kiến nghị các cấp Trung ương. Đối vối các vấn đề tồn đọng của GS Engineering & Construction Corp, Tp. Hồ Chí Minh đề xuất thành lập Tổ công tác giải quyết các vướng mắc chung của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc; trong đó sẽ phân công nhóm thành viên giải quyết từng vấn đề của doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ.

Ông Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh, Tp. Hồ Chí Minh luôn nỗ lực trong việc xây dựng môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả. Tp. Hồ Chí Minh mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hợp tác vào các dự án mời gọi đầu tư của thành phố trong thời gian tới vì lợi ích của cả đôi bên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục