Tp Hồ Chí Minh: Tiết kiệm được hơn 1.400 tỷ đồng nhờ đấu thầu thuốc tập trung

20:29' - 19/07/2018
BNEWS Với việc thực hiện đấu thầu tập trung trong 2 năm 2017-2018 và 2018-2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được hơn 1.400 tỷ đồng mua thuốc.

Thông tin này dược sỹ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Dược - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2018 của Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/7.

Trong 2 năm, Sở Y tế thành phố chỉ thực hiện đấu thầu tập trung 106 thuốc tân dược nằm trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung địa phương cho các bệnh viện trực thuộc Sở và Bệnh viện Nhân dân 115 được giao nhiệm vụ mời thầu.

Trong 106 hoạt chất đấu thầu tập trung bao gồm gói biệt dược gốc (thuốc phát minh) và gói thuốc Generic (thuốc sao chép) với giá trị dự kiến là 3.849 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành đấu thầu tập trung, số thuốc trúng thầu chỉ có giá trị 2.400 tỷ đồng, như vậy tiết kiệm được hơn 1.400 tỷ đồng tiền mua thuốc. Đặc biệt, với việc đấu thầu tập trung gói thuốc Generic đã tiết kiệm được đến 1.390 tỷ đồng so với dự kiến.

Ngoài việc đấu thầu tập trung, trong hai năm tại Thành phố Hồ Chí Minh có 33 bệnh viện trực thuộc quản lý Sở Y tế tự tổ chức đấu thầu, 1 bệnh viện mua sắm trực tiếp (áp thầu) và 2 bệnh viện chỉ định thầu.

Đặc biệt, trong đợt này có 4 bệnh viện quận, huyện tổ chức đấu thầu rộng rãi gồm Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận Bình Thạnh và Bệnh viện quận Bình Tân. Dự kiến đến hết tháng 8, các bệnh viện sẽ công khai kết quả đấu thầu thuốc.

Cùng với tình hình đấu thầu thuốc, tại Hội nghị sơ kết công tác khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2018, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông tin kết quả một năm triển khai ki-ốt khảo sát không hài lòng người bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay đã có 53 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố xây dựng ki-ốt khảo sát không hài lòng người bệnh.

Điều đáng mừng là các bệnh viện đã có những cải tiến đáng kể sau khi nhận được ý kiến phản ánh không hài lòng từ người bệnh. Các bệnh viện đã cải thiện cơ sở vật chất khoa khám bệnh; bổ sung nhân lực phục vụ; cải tiến quy trình khám bệnh; thay đổi thái độ, phong cách giao tiếp ứng xử với bệnh nhân.

Đặc biệt là có những nhà vệ sinh “4 sao” đã ra đời tại một số bệnh viện như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi đồng 1, giúp người dân thoát khỏi nỗi "ám ảnh" mang tên “nhà vệ sinh bệnh viện” khi đi khám chữa bệnh./.

>>>Thu hồi thuốc sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do một công ty của Trung Quốc sản xuất

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục