Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục bình ổn thị trường theo hướng xã hội hoá

18:31' - 11/12/2018
BNEWS Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, T.p Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, mở rộng điểm bán hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Satra Sài Gòn, Tổng công ty Thương mại TP.HCM. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhằm chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phối hợp các sở ngành, doanh nghiệp tăng nguồn cung dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Theo đó, năm nay thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách và tập trung đẩy mạnh liên kết bình ổn thị trường, mở rộng điểm bán hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Tăng nguồn hàng, điểm bán
Báo cáo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 3,44% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.532,6 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, lượng hàng chuẩn bị tăng từ 13,2% - 16,9% so kế hoạch thành phố giao và tăng từ 23% - 36% so với kết quả thực hiện Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Đơn cử, nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% – 58% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo...
Đặc biệt, lượng hàng hóa nhập ba chợ đầu mối nông sản Tp. Hồ Chí Minh đảm bảo bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản, chiếm khoảng 60 - 70% thị trường.

Đồng thời, dự kiến vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày.
Còn tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết từ rất sớm, với số lượng tăng từ hai đến ba lần so với tháng thường.

Bên cạnh đó, riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 6/1 đến 4/2/2019 (tức từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng; trong đó, hàng bình ổn thị trường là 4.211,8 tỷ đồng.
Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt… được dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 18.500 tấn trong mùa Tết năm nay.

Vì vậy, nhiều công ty bánh kẹo đã và đang tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau; trong đó, một số nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm dành riêng cho Tết với bao bì mang đậm màu sắc, không khí Xuân; nhất là dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất như Kinh Đô, Bibica... chú trọng đầu tư.
Vào thời điểm này, ghi nhận tại chợ truyền thống, Ban Quản lý các chợ có phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Hiện nay, mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường là 10.817 điểm bán, tăng 513 điểm bán so với năm 2017. Riêng hàng lương thực – thực phẩm bình ổn có 4.209 điểm bán, gồm: 112 siêu thị, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 131 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư.
Xúc tiến liên kết, bình ổn thị trường
Từ đầu năm đến nay, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố thấp hơn bình quân cả nước. Tổng số doanh nghiệp tham gia bốn bốn Chương trình Bình ổn thị trường năm 2018 là 90 doanh nghiệp.
Dựa trên cơ sở số lượng và chất lượng doanh nghiệp đều tăng qua từng năm, chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà phân phối, nhà sản xuất, nông trại…

Song song đó, những hợp đồng được lên kế hoạch và ký kết từ trước nên vừa đảm bảo cam kết ổn định giá trong thời gian dài, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng, thu nhập của người nông dân trong chuỗi.
Đặc biệt, để phù hợp diễn biến thị trường, đảm bảo tiêu chí thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng ít nhất từ 5% đến 10%.

Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh phối hợp các sở ngành thường xuyên cập nhật, điều chỉnh giá bán hợp lý, phù hợp từng thời điểm.
Mặt khác, thông qua Chương trình Hợp tác thương mại, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết.
Đơn cử, có 379 hợp đồng ghi nhớ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng hóa các tỉnh, thành với các doanh nghiệp bán lẻ trong khuôn khổ “Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2018” do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng các tỉnh, thành tổ chức tại tỉnh Bến Tre trong cuối tháng 11/2018 vừa qua.
Tính lũy kế đến nay, có 2.662 hợp đồng đã được ký kết tại “Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành” từ lần đầu tiên tổ chức đến nay.

Đây cũng là cơ sở để Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành hướng tới phát triển bền vững cũng như đã tạo sự kết nối hai chiều, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa ở các địa phương vào hệ thống phân phối của thành phố và ngược lại.
Liên quan đến vấn đề xúc tiến liên kết, bình ổn thị trường, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thị trường Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 600.000 – 700.000 chậu mai, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng...
Để cân đối cung – cầu, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, Lâm Đồng, tổ chức các hoạt động kết nối, tiếp xúc giữa thương nhân các chợ hoa và người nuôi trồng tại tỉnh Lâm Đồng, Đồng Tháp… để thông tin về nhu cầu thị trường Tp. Hồ Chí Minh và khả năng cung ứng của các địa phương.
Ngoài ra, dự báo tình hình thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý và nhiều doanh nghiệp thành phố sẽ có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối.
Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh bán hàng lưu động từ nay đến Tết, với bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng; riêng hai tháng cao điểm trước Tết thực hiện 344 chuyến, tập trung tại quận ven – huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân, bệnh viện…

Đồng thời, vận động các hệ thống tổ chức, phân phối cung ứng giỏ quà có giá bán thấp nhất từ 99.000 đồng đến 1.500.000 đồng/phần để phục vụ công nhân về quê ăn Tết.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Song song đó, thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu, gồm: thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm...
Mặt khác, trong tháng cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, một số doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Cụ thể, dự kiến các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC… tổ chức nhiều hoạt động giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục