Tp. Hồ Chí Minh: Vẫn còn nhiều câu hỏi của doanh nghiệp dành cho ngành Thuế và Hải Quan

16:12' - 30/08/2024
BNEWS Ngày 30/8, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) phối hợp cùng Cục Thuế, Cục Hải Quan Thành phố tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp năm 2024.
Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển sản xuất.

Theo ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp trong khu hoạt động ổn định. Đến tháng 6/2024, các khu chế xuất, khu công nghiệp có hơn 1.700 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 13,595 tỷ USD; trong đó, dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 561 dự án, vốn đầu tư đăng ký 7,269 tỷ USD; dự án có vốn đầu tư trong nước là 1.154 dự án, vốn đầu tư đăng ký 114.983,735 tỷ đồng (tương đương 6,326 tỷ USD).

 
“Nhiều doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn nhưng nay có đơn hàng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu của khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng thực hiện tốt các nghĩa vụ tài chính; công tác bảo vệ môi trường; các chính sách chăm lo, nâng cao đời sống, việc làm, góp phần ổn định đời sống người lao động”, ông Trần Việt Hà chia sẻ.

Theo ông Trần Việt Hà, Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp; thu hút được trên 12 tỷ USD vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 276.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 8 tỷ USD, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của thành phố (trừ dầu thô). Các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp đóng góp ngân sách hàng năm gần 50.000 tỷ đồng, góp phần tích cực trong phát triển công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Tham gia hội nghị, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn UACJ Foundry & Forging Việt Nam nêu lên những khó khăn trong việc mua hàng từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Khu chế xuất Tân Thuận. Doanh nghiệp FDI nhập khẩu hàng theo mã loại hình A41, sau đó xuất theo mã loại hình B11/B13 nhưng doanh nghiệp chế xuất không mở được tờ khai nhập khẩu vào khu chế xuất.

Tương tự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pepperl+Fuchs Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận) đang gặp rất nhiều khó khăn do nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài (khoảng 6.000 mã nguyên vật liệu) từ rất nhiều nhà cung cấp về để sản xuất cảm biến nhưng không  đáp ứng yêu cầu về nhãn mác (nhãn thiếu hoặc sai thông tin xuất xứ).

“Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với nhà cung cấp để khắc phục vấn đề này nhưng các nhà cung cấp phản hồi đó là quy chuẩn nhãn của bên họ, các khách hàng khác không có phản ánh vấn đề gì nên họ không thể thay đổi nhãn mác theo yêu cầu của chúng tôi được. Như vậy, có hướng nào để giải quyết khó khăn này cho doanh nghiệp không?”, đại diện Công ty Pepperl+Fuchs Việt Nam đặt câu hỏi.

Tại hội nghị, ông Vương Tuấn Nam, Trưởng Phòng Giám sát quản lý Cục Hải Quan Tp. Hồ Chí Minh cũng đã trả lời câu hỏi của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khu Kỹ nghệ Việt Nhật (Khu Công nghiệp Hiệp Phước) về chuyển tiêu thụ nội địa từ nguồn tạm nhập (loại hình A21) thì có được mở tờ khai hay không? Hướng dẫn, giải thích câu hỏi của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hệ thống truyền động Nidec Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận) về việc hủy tài sản cố định nội chế; hủy tài sản cố định lâu năm; việc kiểm hóa khi làm thủ tục thanh lý hủy máy móc thiết bị...

Ông Hoàng Xuân Nam, Phòng tuyên truyền hỗ trợ Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cũng trả lời Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Hạnh (Khu công nghiệp Hiệp Phước) về vấn đề không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu tư dự án do chưa được Khu công nghiệp Hiệp Phước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vấn đề ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của dự án đầu tư vào Khu công nghiệp chưa được cơ quan Thuế giải quyết.

Ông Nam cũng chia sẻ những khó khăn trong việc hạch toán và giải quyết liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Avery Dennison Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Bình). Các vấn đề về xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng trong giai đoạn chờ cấp lại giấy phép đầu tư của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Chian Shyang Việt Nam (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân).

Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã đề xuất một số nội dung khi xây dựng chính sách, pháp luật liên quan, các cơ quan chức năng cần cân nhắc, không đánh thuế giá trị gia tăng 10% đối với dịch vụ xuất khẩu; hỗ trợ đối chiếu công nợ thuế. Các doanh nghiệp cũng đề nghị Cục Thuế có hướng dẫn khai báo giá hàng xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Thuế; vấn đề thuế bảo vệ môi trường đối với hàng nhập có mã HS phải chịu thuế môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về Thuế...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục