Tp. Hồ Chí Minh xin điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất

17:47' - 06/06/2019
BNEWS UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất tại phường Long Phước, quận 9.

UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất từ chức năng quy hoạch đất du lịch, di tích và danh thắng thành đất khu công viên khoa học và công nghệ tại phường Long Phước, quận 9.

Nội dung này sẽ được cập nhật vào điều chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể.

Theo đó, vị trí khu vực quy hoạch khu công viên khoa học và công nghệ thuộc phường Long Phước, quận 9.

Phía Đông giáp rạch Bà Nghiêm, rạch Ván, phía Tây giáp sông Tắc, phía Nam giáp sông Tắc, rạch Đỏ và rạch Bà Nghiêm, phía Bắc giáp sông Tắc.

Tổng diện tích khu vực quy hoạch là 194,84 ha. Đây là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, cải tiến và chuyển giao công nghệ, có mối quan hệ mật thiết với khu công nghệ cao quận 9 hiện hữu. Khu vực này được quy hoạch dành cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao với mục tiêu áp dụng triển khai các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất.

Khu công viên khoa học và công nghệ cùng với khu công nghệ cao hiện hữu sẽ là khu vực hạt nhân, quan trọng trong cấu trúc đô thị sáng tạo phía Đông Tp. Hồ Chí Minh (gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức).

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, việc lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 nhằm mục đích sử dụng đất hiệu quả, bền vững đáp ứng tiêu chí nghiên cứu, liên kết và thu hút đầu tư khoa học công nghệ cao.

Công viên khoa học và công nghệ Tp. Hồ Chí Minh kết nối phù hợp, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu chức năng trong công viên khoa học, công nghệ với quận 9 và các khu vực lân cận, góp phần hình thành đô thị khoa học Đông Bắc thành phố trong tương lai.

* Liên quan đến quản lý, quy hoạch đô thị, UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xây dựng, tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu, kết cấu đối với từng loại bến thủy nội địa.

Đồng thời ban hành các quy định riêng, đặc thù đối với bến thủy nội địa hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, bến hộ gia đình, các bến có phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy, phương tiện vào, rời cảng, phương tiện chạy đối lưu tại các cảng…

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, tính đến năm 2018, trên địa bàn thành phố có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với tổng chiều dài 598,7km trong đó chỉ có 8 tuyến đạt cấp quy hoạch. Các tuyến đường thủy nội địa còn lại không đạt cấp quy hoạch do nhiều yếu tố như bị bồi lắng chưa được nạo vét, tĩnh không, khẩu độ khoang thông thuyền của các công trình trên tuyến chưa đạt cấp kỹ thuật...

Về cảng, bến thủy nội địa, tính đến thời điểm hiện nay, thành phố có 385 cảng, bến thủy nội địa được cấp giấy phép hoạt động về lĩnh vực vật liệu xây dựng, tập kết vật tư thi công công trình, vận chuyển hành khách…

Mặc dù có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, thuận tiện cho việc kết nối giao thông liên vùng, nhưng thời gian qua, việc đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông đường thủy còn thấp, chủ yếu tập trung vào đường bộ, vẫn còn tồn tại nhiều tuyến đường thủy đã xuống cấp do bồi lắng và cạn.

Một số tuyến có các cầu bắc qua với tĩnh không thấp hoặc chướng ngại vật đã làm cản trở phương tiện thủy lưu thông như cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn, cầu Rạch Dơi trên tuyến rạch Dơi - sông Kinh, tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Giồng Ông Tố (vướng đập Nam Lý)… Trong khi đó, hệ thống cảng - bến thủy nội địa đa số kết cấu tạm, năng lực xếp dỡ thấp, sử dụng công nghệ thiết bị bốc xếp còn thủ công, dẫn tới hiệu quả khai thác thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục