TPP sẽ giúp cân bằng quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

10:06' - 02/12/2015
BNEWS Khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ chuyển dịch quan hệ thương mại với 12 nước thành viên TPP. Hy vọng rằng hiệp định này sẽ giúp cân bằng quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục có những thay đổi trong điều hành tài chính và tiền tệ nhằm tiến tới tự do hóa lãi suất và linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ.

Những thay đổi đó bao gồm điều chỉnh tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ, hạ lãi suất cho vay, bỏ trần lãi suất tiền gửi và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.

Để hiểu hơn những gì mà nền kinh tế này đã, đang và sẽ tiếp tục cũng như sẽ tác động tới tới kinh tế toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng (trong đó có Việt Nam), phóng viên  TTXVN đã có buổi trò chuyện với TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế.

TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế. Ảnh: Facebook

Phóng viên (PV): Thưa ông Nguyễn Ngọc Trường, sau khi Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ cách đây ba tháng, rất nhiều nhà phân tích đã tỏ ra lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chiến tiền tệ trong khu vực. Ông có chia sẻ lo lắng này không?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Đã ba tháng trôi qua nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy xảy ra cuộc chiến tiền tệ và tôi cho rằng với những điều chỉnh ôn hòa của Trung Quốc thì cuộc chiến này không thể xảy ra.

Trung Quốc vừa là tác nhân vừa là những xáo động tiền tệ mà thế giới lo ngại, đồng thời cũng là nạn nhân của nó. Trung Quốc cũng chịu sức ép từ cuộc chơi của ba trung tâm tài chính và tiền tệ lớn trên thế giới là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Trung Quốc vừa tìm cách an toàn cho chiến lược của họ, vừa phải đối phó với chiến lược tiền tệ mà ba trung tâm lớn trên thế giới đang tạo ra.

PV: Chính sách tiền tệ của Trung Quốc được đánh giá là đã linh hoạt hơn sau những lần điều chỉnh gần đây về tỷ giá và lãi suất. Ông có thể nói rõ hơn về sự linh hoạt này?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Trong tháng 8/2015, Trung Quốc đã giảm khoảng 2% giá trị đồng tiền và như thế là trong 10 năm qua, thì đây là đợt giảm nhiều nhất. Động thái này làm giá trị hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế trở nên rẻ hơn và cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn giảm giá trị đồng tiền để thích ứng với đòi hỏi từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng đồng NT phải được hoạt động một cách tự do và có thể chuyển đổi được trên thị trường quốc tế, không bị Nhà nước giám sát.

Trung Quốc liên tục điều chỉnh chính sách tài chính và tiền tệ. Ảnh: voanews.com

Vai trò công xưởng của thế giới đã kết thúc và Trung Quốc phải chuyển sang mô hình tăng trưởng mới. Nền kinh tế Trung Quốc đang có một “cỗ xe tam mã” đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Tiêu dùng có tăng nhưng hai mặt kia lại giảm sút nghiêm trọng và đang đình trệ.

Chính vì vậy, nước này đang điều chỉnh để hình thành cỗ xe tam mã mới, nghĩa là đánh bóng lại cỗ xe tam mã cũ là đầu tư mới, xuất khẩu mới và tiêu dùng mới.

PV: Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực của tăng trưởng toàn cầu, song kinh tế Trung Quốc không tránh khỏi có những yếu điểm. Vậy đâu là điểm yếu nhất mà kinh tế Trung Quốc đang cố gắng khắc phục?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Xét về tổng thể thì kinh tế Trung Quốc có hai điểm yếu là quản lý hệ thống tài chính-tiền tệ chưa chắc chắn và cái thứ hai là sản xuất dư thừa.

Trung Quốc đang có 1,1 tỷ tấn thép trong kho nghĩa là 5 năm tới Trung Quốc không phải sản xuất nữa. Nhưng nếu Trung Quốc không sản xuất nữa thì những nước sản xuất nguyên liệu thô như Braxin sẽ thiếu thị trường quan trọng.

Các tính toán cho thấy một tấn thép của Trung Quốc hiện giờ chỉ có giá bằng một cân bắp cải và điều này chứng tỏ “gót chân Achilles” của nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang tồn tại.

PV: Theo ông, sức mạnh thật sự của kinh tế Trung Quốc nằm ở đâu và sức mạnh này có thể giúp Trung Quốc vượt qua những cản trở hiện tại hay không?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Sức mạnh của Trung Quốc là sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế. Sức hấp dẫn của nền kinh tế này đã thu hút sức mạnh bên ngoài vào “cỗ xe tam mã” và người ta nhắm tới là 1,3 tỷ dân và đặc biệt là khoảng 300 triệu dân thành thị. Đây thực sự là một thị trường to lớn.

Còn muốn khắc phục điểm yếu của kinh tế Trung Quốc cần có giải pháp đồng bộ, trong đó chính sách tài chính-tiền tệ cần phải được cải thiện.

PV: Đến lúc này, bên cạnh việc áp dụng linh hoạt hơn chính sách tiền tệ và đối phó với tình trạng lao động giảm sút bằng cách bỏ chính sách một con, các nhà điều hành kinh tế Trung Quốc còn làm những gì để thúc đẩy kinh tế?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Sáng kiến mang tầm thế kỷ của Trung Quốc chính là “Một vành đai, một con đường”. Dự án xuất phát từ miền Trung Trung Quốc. Con đường trên bộ sẽ đi qua Trung Á đến Tây Á, qua nước Nga tới châu Âu. Con đường tơ lụa trên biển xuất phát từ các cảng biển ở Đông Nam Trung Quốc, qua Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, phát triển các điểm ở Nam Á và Đông Phi, tiến vào Vịnh Péc-xích rồi từ đó vào Nam Âu. Tại Nam Âu con đường trên bộ và trên biển giao thoa với nhau, tạo thành mạng lưới giao thương quốc tế nối ba đại lục.

Nếu dự án này thành công thì các điểm đến sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc – nơi có khoảng 1,1 tỷ tấn thép đang nằm trong kho và chắc chắn không có nơi nào tiêu thụ sắt, thép, ximăng bằng cơ sở hạ tầng.

PV: Trong nỗ lực chung về hợp tác kinh tế song phương và đa phương trong khu vực, liệu việc Trung Quốc đứng ngoài Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có phải là hành động đi  ngược với xu thế hay không?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Trung Quốc không ngồi đợi Mỹ mở cánh cửa TPP mà đang theo đuổi các hiệp định hợp tác khác trong khu vực như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực châu Á (RCEP) và mới đây tại Seoul đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Trung Quốc.

Trung Quốc muốn xây dựng khu tự do thương mại tại đây và họ cũng đang nắm những quân bài trong tay để đối trọng lại với TPP.

PV: Dự đoán của ông về xu hướng phát triển của kinh tế Trung Quốc?

Kinh tế Trung Quốc không còn tăng trưởng tốc độ cao. Ảnh: forbes.com

TS Nguyễn Ngọc Trường: Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược thì năm 2015 là dấu mốc quan trọng về việc Trung Quốc không còn là động lực tăng trưởng của thế giới. Kinh tế thế giới giờ chỉ còn một đầu tàu là Mỹ thôi. Kinh tế Trung Quốc đã bước vào trạng thái mới là phát triển với tốc độ thấp hơn.

Có nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6 đến 6,5% và có cao hơn cũng không vượt quá 7,5%. Trung Quốc xác định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 là tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%.

Mức tăng trưởng từ  6 đến 6,5% cũng là mức độ cao của kinh tế thế giới nhưng đối với Trung Quốc đó là một tỷ lệ thấp và nó làm cho Trung Quốc khiêm tốn hơn trong quan hệ quốc tế.

PV: Là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, những thay đổi trong chính sách tài chính-tiền tệ của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam?

TS Nguyễn Ngọc Trường: Nếu không có TPP thì ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng. Việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT đã trực tiếp tác động đến thương mại của Việt Nam, khiến hàng hóa Việt Nam đắt hơn và khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam và thị trường mà hai nước có cùng chung hàng hóa.

Tuy nhiên, khi TPP hoàn thành và đi vào thực hiện, Việt Nam sẽ chuyển dịch quan hệ thương mại với 12 nước thành viên TPP. Chúng tôi hy vọng rằng hiệp định này sẽ giúp cân bằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Trang Nhung/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục