Trách nhiệm liên đới trong việc OceanBank hoạt động tín dụng trái pháp luật

18:50' - 01/09/2017
BNEWS Ngày 1/9, ngày thứ 4 của phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại OceanBank.

Hội đồng xét xử tiếp tục với phần thẩm vấn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về việc nhận tiền chăm sóc khách hàng và trách nhiệm liên đới trong việc OceanBank hoạt động tín dụng trái pháp luật.

Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Nhiều đơn vị phủ nhận việc nhận tiền chăm sóc khách hàng

Tại Tòa, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn khai đã đưa tiền chăm sóc khách hàng cho Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Tổng số tiền bị cáo không nhớ cụ thể. Mỗi lần đến đưa 10.000 – 20.000 USD hoặc 200 - 300 triệu đồng.Theo Sơn, bị cáo đưa khoảng 10 lần.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank giai đoạn 2011-2014) cũng là người thay Nguyễn Xuân Sơn đưa tiền lãi ngoài cho Vietsovpetro. Thu cho biết, bị cáo nhiều lần đưa cho Vietsovpetro, số lần bao nhiêu không nhớ cụ thể, nhưng trong giai đoạn từ 1/2011-6/2012 định kỳ từ 2-3 tháng đưa tiền một lần. Sau giai đoạn này thì định kỳ 3 tháng đưa lãi ngoài một lần.

Thu khai, mỗi lần bị cáo vào “chăm sóc” Vietsovpetro đều thông báo để Nguyễn Thị Kiều Liên – nguyên Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của OceanBank liên lạc trước. Vietsovpetro chủ yếu gửi vào Oceanbank tiền USD, tiền VNĐ rất ít. Việc chi lãi ngoài cho Vietsovpetro được Hà Văn Thắm phê duyệt dựa trên số dư tài khoản của Vietsovpetro.
Bị cáo Thu khai đưa tiền theo tỉ lệ, kế toán trưởng 70%, còn Tổng giám đốc là 30%. Việc thỏa thuận với Kế toán trưởng về tỉ lệ chi lãi ngoài bằng miệng, không có hợp đồng.
Nói về số tiền Vietsovpetro gửi vào Oceanbank, Thu cho biết, thời điểm cao nhất lên tới hơn 100 triệu USD. Tỉ lệ lãi suất vào khoảng 0,1%/tháng. Năm 2012, thời điểm căng thẳng nhất của thị trường tín dụng, tỉ lệ chi lãi ngoài tăng lên 0,15%/tháng. Đây là lãi suất cho VNĐ, còn lãi suất ngoài hợp đồng với USD thì thấp hơn.
Tòa đã tiến hành đối chất lời khai về chi – nhận lãi ngoài giữa đại diện Vietsovpetro với các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank). Nhưng người đại diện của Vietsovpetro vẫn khẳng định rằng, Vietsovpetro không nhận chi lãi ngoài của Oceanbank.
Sau đối chất, chủ tọa yêu cầu triệu tập Kế toán trưởng và nguyên Tổng Giám đốc của Vietsovpetro đến tòa vào phiên xử đầu tuần tới.
Cũng trong sáng 1/9, hầu hết đại diện các công ty có mặt tại phiên tòa đều phủ nhận việc nhận tiền chăm sóc khách hàng. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, không có quan hệ với Công ty BSC từ giai đoạn 2009-2014. Khi chủ tọa đặt câu hỏi, tại tòa bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cùng một số bị cáo khác khai đã chuyển tiền chăm sóc khách hàng cho Lọc hóa dầu Bình Sơn thì người đại diện cho rằng, đây chỉ là lời khai một chiều của các bị cáo.
Người đại diện của PV Oil, Quỹ Chung một tấm lòng và Đảng ủy Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cho biết họ có quan hệ tín dụng với Oceanbank. Thời điểm cao nhất gửi tiền (năm 2013) vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Ngoài lãi suất theo hợp đồng, những người đại diện này cho biết không nhận lãi ngoài hợp đồng.
Đại diện Công ty Dầu khí miền Trung cho biết, có chị Trần Thị Tâm nhận được khoản tiền vào tài khoản cá nhân của OceanBank. Sau khi nhận được thông báo, chị Tâm đã hoàn trả tài khoản của cơ quan điều tra số tiền là 17,2 triệu đồng. Đại diện Công ty Dầu khí miền Trung khẳng định đây là việc nhận tiền với tư cách cá nhân chứ không phải là đại diện cho Công ty Dầu khí miền Trung.

Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc Ocean Bank hoạt động tín dụng trái pháp luật

Tại phiên tòa, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết đã 3 lần tiến hành thanh tra Oceanbank, kết luận cuối cùng vào ngày 31/3/2014. Theo kết luận thanh tra, thực trạng tài chính của OceanBank bị thua lỗ, lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân lỗ liên quan đến kinh doanh trong lĩnh vực bảo lãnh, ủy thác đầu tư, đầu tư chứng khoán… Kết luận thanh tra năm 2014 nêu nợ xấu của OceanBank là gần 15.000 tỷ đồng. Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng với giá 0 đồng.
Tham gia xét hỏi, kiểm sát viên giữ quyền công tố trước Tòa đã hỏi đại diện của Ngân hàng Nhà nước về việc mua OceanBank giá 0 đồng thì quyền lợi của khách hàng như thế nào? Trong suốt thời gian dài, Oceanbank đã có hành vi hoạt động tín dụng trái pháp luật nhưng không bị phát hiện, vậy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước? Phải chăng đây là do năng lực hay bỏ qua sai phạm?... Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước xin trả lời sau vì liên quan đến nhiều vụ, cục.
Tiến hành thẩm vấn đại diện Tập đoàn Dầu khí (PVN), công tố viên đặt câu hỏi: Tháng 4/2011, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện vốn góp của PVN. Tuy nhiên, trong phiên xét xử ngày hôm qua, bị cáo Sơn cho rằng không phải là người đại diện góp vốn? Về nội dung này, đại diện PVN khẳng định tháng 12/2010, bị cáo Sơn là đại diện của Tập đoàn tại OceanBank.
Đối với việc giám sát người góp vốn, đại diện PVN cho biết, kiểm soát từ xa hoạt động của các đơn vị liên kết từ Ban kiểm soát của Tập đoàn. Tất cả những quyết định về quyền hạn của người đại diện do Hội đồng thành viên quyết định.
Khi bị thẩm vấn về lộ trình thoái vốn của PVN vào năm 2011, tập đoàn doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn nhưng PVN lại không thực hiện. Ông Hoàng Văn Dũng – đại diện PVN trình bày, thời điểm đó chưa có hướng dẫn cho lộ trình thoái vốn năm 2011 nên PVN phải chờ hướng dẫn cụ thể.
Trong khi phiên tòa xét xử vụ án kinh tế tại Oceanbank đang diễn ra, ngày 1/9, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN. Đây là giai đoạn II, điều tra mở rộng vụ án Hà Văn Thắm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định: Nguyễn Xuân Sơn; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường – nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN đã có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.
Liên quan đến việc khởi tố các bị can nguyên là cán bộ của PVN, đại diện tập đoàn này cho biết, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tố tụng đối với cá nhân nêu trên không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của PVN.
Ngay khi nhận được thông báo từ cơ quan Cảnh sát điều tra, PVN đã triển khai thủ tục đình chỉ công tác đối với ông Ninh Văn Quỳnh; đồng thời tổ chức phân công lại trong Ban Lãnh đạo tập đoàn để tiếp tục triển khai công việc. Với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đại diện PVN đã đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ theo quy định và hồ sơ vụ án đưa ra bản án thấu tình đạt lý; đồng thời mong Hội đồng xét xử xem xét các chứng cứ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho PVN.
Phiên tòa nghỉ làm việc các ngày từ 2 - 4/9. Ngày 5/9, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục