Trái cây Việt Nam sẽ rút ngắn thời gian xuất khẩu sang Trung Quốc

18:37' - 15/06/2020
BNEWS Phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Bangkok cho rằng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ việc khai trương một tuyến vận tải đường biển mới của Tập đoàn Cảng Liêu Ninh.

Trung Quốc đã trở thành điểm đến chủ yếu của trái cây xuất khẩu từ ASEAN, với các tỉnh ở miền Nam là Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam và Hải Nam đang nổi lên là những thị trường chủ chốt nhờ vị trí địa lý gần và quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước Đông Nam Á.

Số liệu của Phòng Thương mại Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu 6,83 triệu tấn trái cây năm 2019, tăng 24% so với năm trước đó, đạt giá trị 9,5 tỷ USD, tăng 25%.

Thái Lan là nước xuất khẩu trái cây hàng đầu sang Trung Quốc xét về giá trị, tiếp đến là Chile, Philippines, Việt Nam và New Zealand.

Xét về chủng loại trái cây, sầu riêng Thái Lan có số lượng xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng một nửa lượng trái cây xuất khẩu, tiếp theo là nhãn, măng cụt và dừa non.

Trong bài phân tích đăng trên tờ Bangkok Post ngày 15/6, Phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Bangkok, Suwatchai Songwanich, cho rằng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ việc khai trương một tuyến vận tải đường biển mới của Tập đoàn Cảng Liêu Ninh.

Tuyến đường biển mới này do công ty vận tải đa quốc gia của Trung Quốc Cosco Shipping có lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vận tải biển và dịch vụ bến bãi vận hành và kết nối chiến lược giữa Đại Liên ở Đông Bắc Trung Quốc với Việt Nam.

Nhờ tuyến vận tải đường biển mới, rất nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam có thể được chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Đại Liên chỉ trong 7 ngày, ngắn hơn từ 3-5 ngày so với những tuyến đường ở Đông Nam Á khác tới cảng Đại Liên, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển trái cây.

Công ty Zhonghai Santiago đã thực hiện chuyến hàng đầu tiên trên tuyến đường mới, chuyển 565 tấn thanh long từ Việt Nam.

Số hàng này đã được phân phối cho các siêu thị lớn ở Đại Liên và các tỉnh lân cận trong vòng 24 giờ sau khi được bốc dỡ.

Điều này không chỉ cho thấy tuyến đường mới đã giúp giảm chi phí cho các nhà sản xuất mà còn làm gia tăng sự tiếp cận của khách hàng đối với trái cây tươi hơn, có chất lượng cao hơn.

Tuyến vận chuyển trái cây với thời gian được rút ngắn sẽ giúp thắt chặt thương mại chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, trong khi làm tăng thêm sự phát triển của các doanh nghiệp khác dọc theo tuyến đường Đông Nam Á.

Việc mở rộng chuỗi cung ứng khu vực như vậy cũng có thể làm giảm nguy cơ gián đoạn đối với thương mại toàn cầu vốn mong manh hơn, như đã trải qua gần đây do đại dịch COVID-19.

Hơn nữa, như đã thấy đối với Thái Lan, việc mở ra các phương thức vận tải mới có thể có tác động mạnh mẽ đến thị trường.

Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc bắt đầu cất cánh khi kết nối đường bộ giữa Thái Lan và Trung Quốc được cải thiện, những cây cầu mới được xây dựng dọc sông Me Kong, và các đoàn xe tải đông lạnh có sẵn để vận chuyển trái cây. Nhu cầu đối với trái cây từ Việt Nam có thể gia tăng nhờ tuyến đường mới này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục