"Trái ngọt" từ hiệu quả hỗ trợ, hợp tác Hải quan với Doanh nghiệp

06:23' - 02/02/2017
BNEWS Ghi nhận sự hỗ trợ, hợp tác của cơ quan Hải quan trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều có chung nhận xét: Cán bộ công chức Hải quan Hà Nội có tác phong công nghiệp.
Hải quan Hà Nội nỗ lực phục vụ doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Những giải pháp cải cách, hiện đại hóa trong quản lý hải quan nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa trong hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp của Cục Hải quan thành phố Hà Nội đang đem lại hiệu quả tích cực.

"Trái ngọt" là số doanh nghiệp làm thủ tục trên địa bàn đang liên tục gia tăng, số thuế thu nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng lên, còn doanh nghiệp ngày càng nâng cao sức cạnh tranh, đạt tăng trưởng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Song hành với doanh nghiệp

Có nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hải quan đối với các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp Thăng Long, Sóc Sơn - Nội Bài, Quang Minh và một số doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp này, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long là một trong những đơn vị tiêu biểu của Hải quan Hà Nội trong tạo dựng mối quan hệ đối tác, hợp tác với doanh nghiệp.

Đơn vị này đã thực hiện thủ tục hải quan bằng việc áp dụng quy trình thủ tục hải quan mới theo phương pháp quản lý hiện đại, dựa trên kỹ thuật quản lý rủi ro kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Bạch Nhật Quang, phần lớn trong số hơn 1.200 doanh nghiệp làm thủ tục tại đơn vị là các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; trong đó có 125 doanh nghiệp thường xuyên thực hiện thủ tục, chủ yếu là doanh nghiệp Nhật Bản.

Đây là điều thuận lợi của chi cục bởi các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản có ý thức chấp hành pháp luật. Điều này cũng đòi hỏi cán bộ công chức hải quan thực thi nhiệm vụ phải nắm vững nghiệp vụ cũng như xây dựng được tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Hiện nay các khu công nghiệp Thăng Long, Sóc Sơn - Nội Bài, Quang Minh tiếp tục được mở rộng quy mô, nên cùng với chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ và thành phố Hà Nội, đơn vị luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhất.

“Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng giống như các đơn vị hải quan khác trong toàn ngành luôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn và các khu công nghiệp lân cận”- ông Quang khẳng định.

Tại Chi cục Hải quan Hà Tây, các giải pháp triển khai quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp cũng đã và đang đạt hiệu quả rõ rệt, tạo sự đồng thuận, hợp tác, tin tưởng của doanh nghiệp với cơ quan Hải quan. Chi cục là đơn vị đầu tiên trong toàn ngành thực hiện thí điểm chương trình đối tác Hải quan - doanh nghiệp, mô hình khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây, Đoàn Mạnh Hải cho biết, đây là giải pháp hợp để khuyến khích sự tham gia tích cực của doanh nghiệp.

Cơ quan Hải quan lựa chọn các chủ đề, nội dung hợp tác thiết thực, có tính thời sự đối với các bên tham gia như việc triển khai các quy định pháp luật mới dẫn đến sự thay đổi về phương pháp quản lý, thủ tục hải quan cần có sự chuẩn bị trước từ mỗi bên để hạn chế vướng mắc phát sinh; hoặc các vướng mắc cần có sự hợp tác của cả cơ quan Hải quan, doanh nghiệp và các bên liên quan để cùng phối hợp tháo gỡ.

Sau kết quả triển khai ban đầu, Chi cục Hải quan Hà Tây đã mở rộng thực hiện chương trình này với các doánh nghiệp lớn trên địa bàn.

Thước đo hiệu quả hoạt động

Theo thông báo của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Bạch Nhật Quang, trong hai năm qua, Chi cục đã khảo sát doanh nghiệp đánh giá việc chấp hành pháp luật của cán bộ chi cục hải quan. Đối tượng được khảo sát là các doanh nghiệp lớn, đóng góp 80% lượng tờ khai tại chi cục nhằm đánh giá về từng vị trí làm việc của cán bộ chi cục hải quan.

Mỗi năm một tiêu chí đánh giá khác nhau, nếu năm 2015, các tiêu chí tập trung vào đánh giá việc làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp thì năm 2016, tiêu chí đánh giá tập trung vào trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức hải quan ở từng đội nghiệp vụ về thời gian làm thủ tục; trình độ chuyên môn đáp ứng công việc, văn hóa ứng xử và tinh thần thái độ phục vụ.

Để kết quả khảo sát khách quan, minh bạch, phiếu khảo sát các doanh nghiệp đề không yêu cầu phải khai tên doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát ý kiến doanh nghiệp cho thấy, hầu hết các câu trả lời đều đánh giá tốt. Nhờ việc đánh giá việc chấp hành pháp luật của cán bộ công chức chi cục, đơn vị đã đánh giá đúng việc thực thi nhiệm vụ của từng khâu nghiệp vụ, từ đó bố trí cán bộ công chức phù hợp, hiệu quả, tạo niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp", ông Bạch Nhật Quang cho hay.

Chia sẻ của Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây, Đoàn Mạnh Hải cho thấy, kết quả của quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp cũng như việc hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp của đơn vị là đã tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo niềm tin để họ cùng đồng hành với cơ quan Hải quan và qua đó góp phần giúp doanh nghiệp ngày càng nâng cao sức cạnh tranh, đạt tăng trưởng cao.

“Khảo sát thực hiện vào cuối năm 2016 cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp tại chi cục đạt tỷ lệ 100%", ông Đoàn Mạnh Hải phấn khởi cho biết.

Ghi nhận sự hỗ trợ, hợp tác của cơ quan Hải quan trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều có chung nhận xét: Cán bộ công chức Hải quan Hà Nội có tác phong công nghiệp.

Doanh nghiệp cảm nhận được sự hỗ trợ rõ ràng trong quá trình làm thủ tục hải quan từ khâu phổ biến, tư vấn, giải đáp vướng mắc về những quy định mới. Việc giải quyết thủ tục cũng được cơ quan Hải quan thực hiện nhanh chóng, thuận lợi.

Theo cảm nhận của Giám đốc sản xuất Công ty TNHH TOTO Việt Nam, ông Tahara Hiroyuki, thời gian qua Hải quan Hà Nội luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó đã giúp Toto có thêm niềm tin tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí mở rộng hoạt động sản xuất ở địa phương khác (Hưng Yên).

Trong bối cảnh vừa hoạt động kinh doanh vừa đẩy mạnh đầu tư, có sự đồng hành từ cơ quan Hải quan trong khâu phổ biến, tư vấn, giải đáp vướng mắc về những quy định mới đến việc giải quyết thủ tục, doanh nghiệp đã thêm niềm tin trong hoạt động duy trì kinh doanh cũng như mở rộng đầu tư.

Ghi nhận những nỗ lực của Hải quan Hà Nội trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đá thạch anh cao cấp VSC-Viccostone Phạm Trí Dũng cảm nhận hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có mối quan hệ hợp tác giữa hai bên Doanh nghiệp – Hải quan.

“Trong suốt 12 năm hoạt động, doanh nghiệp Viccostone luôn nỗ lực tuân thủ pháp luật nhà nước về thuế và hải quan, trong khi đó, cơ quan Hải quan không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng chính sách pháp luật về hải quan, mà còn hướng dẫn doanh nghiệp phòng tránh rủi ro có thể xảy ra trong quá trình xuất nhập khẩu”, ông Phạm Trí Dũng nhấn mạnh.

 “Đòn bẩy” tiếp sức doanh nghiệp

Bày tỏ về những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa và đồng hành cùng doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trường cho hay: Song hành giải quyết những áp lực từ chuỗi thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là “kim chỉ nam” của Hải quan Hà Nội trong năm 2017.

“Thực tế cho thấy, giải pháp này đã đem lại hiệu quả cao cho Cơ quan Hải quan khi số doanh nghiệp làm thủ tục trên địa bàn liên tục gia tăng, số thuế thu nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng lên hàng năm.

Như năm 2016, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã tổ chức 26 Hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp, với tổng số 656 lượt doanh nghiệp tham gia và giải quyết 198 vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan…”, ông Nguyễn Văn Trường cho biết.

Để tiếp sức cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2017, Hải quan Hà Nội tập trung tổ chức kiểm tra thực hiện chính sách thuế, phân loại hàng hóa, trị giá tính thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thế, không thu thuế để có biện pháp khắc phục sai sót trong quá trình thực hiện, kịp thời phát hiện bất cập trong chính sách, báo cáo cấp trên hoàn thiện đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và chặt chẽ trong công tác quản lý của cơ quan hải quan.

Đồng thời, tiếp tục triển khai nội dung Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đến cộng đồng doanh nghiệp và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh tại các Chi cục. Song song đó, điều phối, duy trì tỷ lệ kiểm tra phù hợp, đảm bảo công tác quản lý đối với doanh nghiệp, mặt hàng trọng điểm; nâng cao chất lượng quản lý, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp trên cơ sở thu thập, quản lý thông tin hồ sơ doanh nghiệp…

Trước những nỗ lực của Cục Hải quan Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, số thu của Cục Hải quan Hà Nội trong năm 2016 là 20.002 tỷ đồng, vượt 9,9% chỉ tiêu pháp lệnh, vượt 2% chỉ tiêu phấn đấu và vượt 7% so với năm 2015 là kết quả đáng khích lệ.

Điều đó cho thấy công tác cải cách hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp tục có nhiều đổi mới, chuyên nghiệp và phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp hơn. Đồng thời có sự giúp đỡ, hiệp lực của các cơ quan trong và ngoài Ngành có liên quan.

“Năm 2017, Cục Hải quan Hà Nội cần tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đặc biệt tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức để xây dựng lực lượng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới là cải cách hiện đại hóa”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục