"Trải thảm đỏ" thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

07:38' - 29/11/2016
BNEWS Long An là một trong những địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư và ở vị trí dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài( FDI).
Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc) là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư của tỉnh Long An với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 85%, chủ yếu là các dự án FDI. Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN

Tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm "trải thảm đỏ" thu hút nhà đầu tư. 

 Thay đổi những vùng quê thuần nông

Tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp (KCN) với diện tích gần 10.220ha; trong đó, có 16 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 61%; 32 cụm công nghiệp với diện tích 3.368 ha; trong đó, có 14 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 88%.

Trong những năm qua, nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Long An chuyển hóa các vùng nông thôn ở các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước..., với đất bạc màu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, giá trị sản xuất công nghiệp không đáng kể thành những vùng trọng điểm sản xuất công nghiệp của địa phương. Theo đó, thay đổi nhiều nhất là huyện Đức Hòa là địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và có nhiều khu và cụm công nghiệp nhất tỉnh.

Trên địa bàn huyện Đức Hòa hiện đã có 4 KCN và 14 cụm công nghiệp với trên 1.500 công ty, xí nghiệp hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp trong KCN, cụm công nghiệp đều đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho khoảng 65.000 lao động tại địa phương. Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt gần 30% thì hiện nay đã có 70% lao động của huyện tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư huyện ủy Đức Hòa cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện có tốc độ tăng bình quân hằng năm là hơn 16/%. Nhờ vốn đầu tư FDI, từ huyện thuần nông, chủ yếu trồng lạc giá trị kinh tế thấp, đời sống người dân rất khó khăn nay Đức Hòa trở thành huyện sản xuất công nghiệp, biến những vùng đất nhiễm phèn thành các khu và cụm công nghiệp phát triển.

“Thời gian tới, để phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ, huyện chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, gắn với đẩy mạnh đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tăng giá trị sản xuất bình quân lên 20%/năm. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư; đôn đốc, khuyến khích chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng tích cực hoàn chỉnh các hạ tầng trong khu - cụm công nghiệp...'' - ông Nguyễn Văn Út nói.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, khu vực kinh tế FDI ngoài việc trực tiếp đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, còn thu hút và giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương và các tỉnh lân cận.

Khu vực kinh tế FDI tạo động lực cho tỉnh hoàn thiện môi trường đầu tư, thể chế chính sách, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực... Đồng thời kích thích xây dựng chính quyền năng động; quản lý, điều hành hiệu quả nhằm tạo niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài.

 ''Trải thảm đỏ'' 

 Sản xuất giày dép xuất khẩu tại công ty TNH JIA HSIN (đóng tại huyện Cần Giuộc). Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN

Theo báo cáo của tỉnh Long An, tổng số dự án FDI đăng ký tại tỉnh đến nay là 828 dự án với tổng số vốn hơn 5 tỷ USD. Toàn tỉnh có 459 dự án đi vào hoạt động, chiếm gần 60% tổng số dự án đăng ký, tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 3 tỷ USD, đạt 60% so với tổng vốn đăng ký.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An, ông Phạm Văn Rạnh, cho hay, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và sẽ xây dựng các KCN chất lượng cao để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời phát triển các ngành nghề mới giúp tạo ra ngành mũi nhọn cho phát triển công nghiệp.

Tỉnh cũng khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với chính sách của tỉnh; bổ trợ cho các ngành đang có ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: công nghệ cao, công nghệ tri thức, môi trường, công nghiệp dựa trên công nghệ vật liệu mới, sản xuất điện tử và phần mềm... Đồng thời, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt trung bình 15%/ năm.

Ngoài ra, cải thiện môi trường đầu tư là một trong những công tác trọng tâm của Long An. Hàng năm, tỉnh có kế hoạch cụ thể về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; rà soát, nhận diện các điểm yếu trong thang điểm tính chỉ số năng lực cạnh tranh để tập trung khắc phục, nhất là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan….

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ điều kiện cho các dự án đầu tư trên địa bàn vận hành hiệu quả...

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh, tỉnh cam kết tạo một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Long An luôn đồng hành, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với Long An. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là dự án phải bảo đảm môi trường xanh, sạch, công nghệ xử lý môi trường phải đạt tiêu chuẩn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục