Trắng đêm hộ đê biển Tây

20:50' - 04/08/2019
BNEWS Từ chiều 3/8 đến 4/8, trên khu vực biển Tây của tỉnh Cà Mau đã xuất hiện nhiều cơn mưa to, gió giật mạnh, đặc biệt mực nước biển đột ngột dâng cao kỷ lục khiến nước mặn tràn qua mặt đê.
Cà Mau đang tích cực huy động mọi nguồn lực nhằm bảo vệ đoạn đê xung yếu trước nguy cơ bị vỡ. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Từ chiều 3/8 đến 4/8, trên khu vực biển Tây của tỉnh Cà Mau đã xuất hiện nhiều cơn mưa to, gió giật mạnh, đặc biệt mực nước biển đột ngột dâng cao kỷ lục khiến nước mặn tràn qua mặt đê vào vùng ngọt hóa, uy hiếp hàng chục ngàn héc-ta lúa, nguy cơ vỡ đê biển Tây có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trước tình hình trên, ngày 4/8, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra thực tế, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ hộ đê, đồng thời chỉ đạo thực hiện khẩn trương các giải pháp hộ đê trong tình huống khẩn cấp.

Tại đây, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết, đoạn đê bị sạt lở chiều 3/8 là đoạn đê xung yếu vừa được cải tạo với cao trình trên 3 mét, việc sóng biển dâng cao và vượt qua mặt đê là điều bất ngờ và chưa từng có tiền lệ tại địa phương.

Bên cạnh đó, toàn tuyến đê biển Tây có chiều dài khoảng 50km đang bị triều cường uy hiếp nghiêm trọng, có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.

“Trước mắt, tỉnh Cà Mau đã huy động mọi lực lượng, phương tiện và sử dụng giải pháp kè hộ đê nhằm gia cố mặt đê và mái đê một cách tạm thời, ngăn chặn tình trạng sạt lở chân đê. Tuy nhiên, với điều kiện mưa to, gió lớn rất khó để tiếp cận các đoạn bị sạt lở. Ngay khi thời tiết thuận lợi hơn một chút, các lực lượng sẽ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, hộ đê bất kể đêm ngày, làm mọi cách đảm bảo cho đê biển Tây được an toàn. Giải pháp về lâu dài, tỉnh sẽ tiến hành kiên cố hóa mái đê, tiếp tục kè hộ đê nhằm gây bồi, tạo bãi trồng rừng phòng hộ…” - ông Nguyễn Tiến Hải nói về giải pháp.

Ông Hải cũng đồng thời thông tin thêm, hiện trên khu vực xung yếu của tuyến đê biển Tây, tỉnh Cà Mau đã huy động hơn 200 người tham gia hộ đê, trực 24/24 giờ với tinh thần cao nhất.

Anh Nguyễn Tấn Đạt, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời cho biết, trong suốt mấy chục năm, anh chưa từng chứng kiến việc nước biển dâng cao và nhanh như thế.

Trước nguy cơ vỡ đê, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã quyết định đánh đầm xà lan để bảo vệ đê. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

“Nước dâng rất nhanh, sóng cao, nước biển tràn qua thân đê vào vùng ngọt... May mắn là nước cũng rút rất nhanh, nếu kéo dài hơn khoảng 1 giờ đồng hồ nữa thì rất có thể đoạn đê này đã bị vỡ”, anh Nguyễn Tấn Đạt nhận định.

Chưa hết bàng hoàng, bà Nguyễn Thị Ten nhớ lại: "Nước dâng rất nhanh, dù đê phòng hộ rất cao, nhưng nhiều đợt sóng đã vượt qua đê để tràn vào ruộng lúa bên trong. Trước tình trạng đó, cả gia đình tôi đã thu dọn đồ đạc chuẩn bị di dời, rất may, không lâu sau thì sóng êm trở lại”.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chia sẻ, khi sự cố xảy ra, Sở đã huy động lực lượng đến ngay hiện trường để gia cố những điểm sạt lở nguy cấp. Để bảo vệ an toàn cho đê, lực lượng chức năng phải thức trắng đêm gia cố".

Với vai trò là thành viên của lực lượng xung kích tại địa phương, anh Lê Quốc Phi (xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ, khi nghe tin đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ bị vỡ, chúng tôi đã ý thức được công tác hộ đê sẽ diễn ra suốt đêm.

Dù hiện nay rất mệt mỏi nhưng không vì thế mà lơ là cảnh giác, nhất là trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến xấu. Anh em sẵn sàng túc trực 24/24 giờ đến khi nào đoạn đê được an toàn mới yên tâm.

Ghi nhận tại hiện trường, với tinh thần hộ đê ở mức cao nhất, các lực lượng như: Bộ đội biên phòng, công an, quân sự được huy động tối đa nhằm phối hợp với chính quyền các địa phương... dùng cừ tràm, vải địa… để gia cố phần thân đê bị sạt lở nghiêm trọng.

Đồng thời, các lực lượng hộ đề còn dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt đê để hạn chế nước mặn tràn vào bên trong, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân.

Đây là tuyến đê có vai trò ngăn mặn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt trực tiếp cho hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, trong tuần qua tại Indonesia đã xảy ra động đất và vẫn còn dư chấn, từ đó đã khiến mực nước biển dâng cao đột ngột.

Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin, theo thống kê sơ bộ đến thời điểm chiều 4/8, địa phương đã thiệt hại khoảng 16 tỷ đồng do dông lốc gây sập, tốc mái nhà và nước ngập.

Cùng tình trạng tương tự, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, toàn huyện ước thiệt hại ban đầu trên 4 tỷ đồng do nhà sập, tốc mái và nước ngập. Trong đó, dông lốc đã làm sập hoàn toàn 22 căn nhà; tốc mái 53 căn nhà. Đặc biệt, tại xã Khánh Hội bị thiệt hại nhiều nhất với 15 căn bị sập và 18 căn bị tốc mái.

Ngoài ra, nước biển đã dâng gây ngập nhà của hơn 723 hộ dân, ước thiệt hại gần 3,4 tỉ đồng.

Thiệt hại tập trung nhiều ở các xã Khánh Hội và Khánh Tiến (đây là hai khu vực có rừng phòng hộ đê biển Tây; dưới chân đê Quốc phòng; vàm kênh Hương Mai).

Trước tình hình trên, UBND của hai địa phương đã nhanh chóng tổ chức đoàn công tác đến thăm và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại; đồng thời cử lực lượng tích cực hỗ trợ các gia đình sửa chữa lại nhà, sớm ổn định cuộc sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục