Trăng rằm đêm nay có gì đặc biệt?

11:35' - 22/08/2021
BNEWS Rằm tháng 7 âm lịch năm nay, mặt trăng không chỉ tròn như những ngày rằm khác mà còn là hiện tượng cực hiếm gặp.

Theo Hội Thiên văn Hà Nội HAS, mặt trăng tối nay 22/8 sẽ ở vị trí đối diện với trái đất và mặt trời. Bề mặt của mặt trăng sẽ phản xạ hoàn toàn ánh sáng mặt trời về phía trái đất.
Hiện tượng này xảy ra lúc 12h02 UTC (tức 19h02 giờ Việt Nam). Lần trăng tròn này được gọi là trăng xanh, một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú hiếm gặp.
Vì sao trăng xanh lại đặc biệt?
“Trăng xanh” lần đầu tiên diễn ra vào ngày 31/10/2020, khi mặt trăng xanh kỳ lạ thắp sáng bầu trời đêm vào Halloween .
Một định nghĩa có từ năm 1528 về trăng xanh là chỉ kỳ trăng tròn thứ ba trong một mùa có bốn kỳ trăng tròn, theo NASA .
Nói chung, mỗi mùa có ba lần trăng tròn. Nhưng mùa hè năm 2021, bắt đầu từ ngày 20/6 và kết thúc vào ngày 22/9, có bốn lần trăng tròn (24/6, 23/7, 22/8 và 20/9).
Theo EarthSky, các trăng xanh theo mùa không phổ biến, xảy ra khoảng hai đến ba năm một lần.

Các lần trăng xanh gần nhất tiếp theo sẽ là vào ngày 31/8/2023 (trăng xanh theo tháng) và ngày 20/8/2024 (trăng xanh theo mùa) (thời gian được tính theo múi giờ của Việt Nam).
Trăng xanh có thật sự màu xanh?
Mặt trăng sẽ đạt cực đại vào lúc 19h02 giờ Việt Nam tối nay. Nhưng trăng tròn xuất hiện trong khoảng ba ngày, từ đêm thứ Sáu (20/8) đến sáng thứ hai (23/8).
Tuy nhiên, trăng tròn của tháng 8 sẽ không thực sự có màu xanh lam mà sẽ vẫn có màu trắng "ma quái" như thường lệ, trừ khi các hạt khói từ đám cháy dữ dội vào mùa hè này chuyển nó thành màu đỏ cam.
Vậy có khi nào mặt trăng màu xanh không? Thực tế, đôi khi do ảnh hưởng từ khói và tro núi lửa, từ những giọt nước trong không khí hay từ một vài loại mây... mà chúng ta quan sát thấy mặt trăng có màu xanh.
Tuy nhiên, hiện tượng này cũng hiếm khi xảy ra và thực sự thì mặt trăng cũng không thay đổi màu sắc, chỉ là những tác nhân khói, bụi... trên đóng vai trò là một bộ lọc màu để chúng ta quan sát thấy mặt trăng có sắc xanh mà thôi.
Các cách gọi trăng rằm tháng 7 khác nhau
Tên gọi khác của trăng rằm tháng 7 là Trăng cá tầm, theo Maine Agricultural Almanac, tổ chức lần đầu tiên công bố tên của các mặt trăng đầy đủ vào những năm 1930. Các bộ lạc Algonquin ở Bắc Mỹ gọi đây là Mặt trăng Cá Tầm vì loài cá này có rất nhiều ở Hồ Lớn và các tuyến đường thủy khác vào thời điểm này trong năm. Ngoài ra, trăng rằm tháng 7 có nơi gọi là Algonquin, Mặt trăng ngô xanh.
Các sự kiện khác liên quan đến trăng tròn tháng 7 bao gồm lễ hội Hindu Raksha Bandhan, lễ kỷ niệm mối quan hệ giữa anh chị em; lễ Nikini Poya ở Sri Lanka, kỷ niệm hội đồng Phật giáo đầu tiên cách đây 2.400 năm.../.

>>Ngắm "Siêu trăng Máu" và nguyệt thực toàn phần từ Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục