Trang trại năng lượng Mặt Trời lớn nhất của Australia đi vào hoạt động

22:11' - 16/03/2023
BNEWS Trang trại năng lượng Mặt Trời New England lớn nhất của Australia đã bắt đầu hoạt động giai đoạn đầu từ ngày 16/3 trong bối cảnh nước này đang đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trang trại năng lượng Mặt Trời New England lớn nhất của Australia đã bắt đầu hoạt động giai đoạn đầu từ ngày 16/3 trong bối cảnh nước này đang đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng nhằm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Dự án trang trại năng lượng Mặt Trời New England (ở phía Bắc bang New South Wales) được thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu đã hoàn thành với kinh phí khoảng 650 triệu AUD và đạt công suất 400MW.  Nhà thầu dự án, công ty năng lượng tái tạo ACEN Australia, cho biết sẽ sớm bắt tay vào triển khai giai đoạn còn lại với công suất 320 MW.

 

Giám đốc điều hành ACEN Australia, ông Anton Rohner đánh giá việc hoàn thành giai đoạn đầu của dự án cho thấy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Australia đang diễn ra nhanh chóng. Theo ông Rohner, Cơ quan Điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) đã phê duyêt cho phép dự án được kết nối để cung cấp điện cho mạng lưới điện từ tháng 12/2022, nhưng đến nay dự án vẫn đang trong quá trình chạy thử để đảm bảo tính ổn định. Ông cho biết dự án sẽ chính thức hòa vào hệ thống lưới điện trong vài tháng tới với công suất tối đa lên tới 400MW.

Đối với giai đoạn tiếp theo, ACEN Australia sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến kết nối và điều khoản xây dựng, đồng thời tin tưởng sẽ đạt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, ông Rohner cho rằng bước tiếp theo của dự án sẽ diễn ra vào thời điểm Australia thiếu lao động và lạm phát tăng cao, vấn đề này sẽ khiến cơ sở chi phí trên mỗi megawatt tăng từ 20 – 30%.

Hiện nay, Australia đang tích cực đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại rằng tiến độ các dự án năng lượng tái tạo không đảm bảo đủ nhanh để bù đắp việc ngừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện.

Mặc dù được hỗ trợ về chính sách, các dự án năng lượng tái tạo mới vẫn bị chậm tiến độ do vướng mắc ở một số địa phương và hạn chế về nguồn cung. Một số chuyên gia năng lượng kêu gọi Chính phủ Australia cần đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất điện lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tránh đóng cửa các nhà máy này quá sớm.

Chính phủ Australia coi việc thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo là trọng tâm trong các chương trình nghị sự và đặt mục tiêu nguồn năng lượng không phát thải sẽ chiếm hơn 80% tổng nguồn năng lượng điện trên toàn quốc vào năm 2030. Đây được coi là điều kiện để Australia đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục