Khánh thành dự án năng lượng Mặt Trời lớn nhất Jordan

11:36' - 26/02/2023
BNEWS Dự án năng lượng Mặt Trời lớn nhất Jordan có tổng công suất 200 megawatt (MW) đã chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 25/2.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Jordan, Saleh Al Kharabsheh, nói rằng quốc gia Trung Đông này đang tập trung vào việc phát triển các nguồn năng lượng sạch để đảm bảo an ninh năng lượng, tăng cường khả năng tự lực và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Được phát triển thông qua thỏa thuận mua bán điện giữa Công ty Điện lực Quốc gia Jordan và công ty phát triển năng lượng tái tạo Masdar của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Công viên năng lượng Mặt Trời Baynouna sản xuất hơn 560 gigawatt giờ (GWh) điện mỗi năm, đủ để cung cấp cho 160.000 hộ gia đình ở Jordan.

 
Trong một tuyên bố, Masdar cho biết, nhà máy này sẽ góp phần giảm 360.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với việc loại bỏ gần 80.000 chiếc ô tô.

Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của UAE kiêm Chủ tịch của công ty Masdar, Tiến sỹ Sultan Al Jaber, cho rằng dự án Công viên năng lượng Mặt Trời Baynouna sẽ đóng góp vào các mục tiêu khí hậu của Jordan, cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng sạch, tạo việc làm và đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Ông Al Juber nói thêm cùng với dự án khác như trang trại gió Tafila, Masdar đã giúp Jordan sản xuất 29% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo và sẽ hỗ trợ mục tiêu tăng tỷ lệ lên 50% vào cuối thập kỷ này.

Là quốc gia nhập khẩu hơn 94% nhu cầu năng lượng, Jordan đang tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo. Vào năm 2015, Masdar đã bàn giao trang trại điện gió Tafila là dự án quy mô thương mại đầu tiên ở khu vực Trung Đông.

Các tổ chức tài chính đã tham gia hỗ trợ dự án bao gồm Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Quỹ Phát triển Quốc tế OPEC, DEG - Quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Năm ngoái, Masdar cũng đã ký một thỏa thuận sơ bộ với Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Jordan để phát triển các dự án năng lượng tái tạo nhằm tạo ra thêm 2 gigawatt ở quốc gia Trung Đông này.

Masdar đang hoạt động tại hơn 40 quốc gia và đã đầu tư hoặc cam kết đầu tư vào các dự án trị giá hơn 30 tỷ USD. Công ty đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo lên ít nhất 100 gigawatt vào năm 2030./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục