Tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong nông, lâm trường còn nhiều

17:20' - 25/09/2018
BNEWS Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong các nông, lâm trường vẫn còn nhiều như lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển đổi mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật.
Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong các nông, lâm trường vẫn còn nhiều. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV tổ chức hội thảo về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.
Theo báo cáo, tính đến tháng 12 năm 2017, tổng diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường hiện do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng là trên 9,1 triệu ha.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật việc quản lý và sử dụng đất đai tại các nông lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.

Kết quả giám sát cho thấy, bên cạnh những ưu điểm đạt được thì công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh gặp một số hạn chế, tồn tại như hạn chế trong việc quy hoạch sử dụng đất rừng; hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai và sản xuất kinh doanh; rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường theo Nghị quyết số 28 của Trung ương; khoán giao đất trong các nông lâm trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bàn giao đất cho địa phương quản lý. Để khắc phục tính trạng trên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/QH13 yêu cầu Chính phủ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Theo Hội đồng Dân tộc, Nghị quyết số 112 của Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thưc hiện các chính sách nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế về sử dụng đất có nguồn gốc lâm trường trong thời gian qua; đề ra những chủ trương, giải pháp tích cực để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 112 của Quốc hội; đẩy mạnh thẩm tra phương án sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp; rà soát đất đai, xác định bản đồ, cắm mốc, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
* Sử dụng đất ở các nông, lâm trường còn kém hiệu quả, lãng phí
Vừa qua, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề này. Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc, các nông, lâm trường hiện nay quản lý diện tích đất đai khá lớn, song sử dụng đất kém hiệu quả, còn lãng phí; năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp.

Các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng từng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt (điển hình là ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung); vẫn còn tình trạng để đất hoang hóa chưa sử dụng.
Việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28-NQ/TW thực hiện còn chậm, chất lượng và hiệu quả đạt được còn thấp. Nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại; việc rà soát hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường mới chủ yếu được thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa...

Phần lớn các nông, lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp (hơn 60% nông, lâm trường với khoảng 88% diện tích) đã không làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Tại một số đơn vị doanh nghiệp nông, lâm nghiệp sau khi cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai tiếp tục lỏng lẻo, không được tăng cường.
Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép sang làm nhà ở, công trình dịch vụ gây nhiều bức xúc; có nơi khoán đất không nhằm mục đích sản xuất mà để đầu cơ, chờ cơ hội bán đất kiếm tiền.
Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai trong các nông, lâm trường vẫn còn nhiều dưới các hình thức: lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển đổi mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật. Nhiều trường hợp kéo dài đã nhiều năm nhưng chậm được giải quyết; tại nhiều nông trường tình trạng trên vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh miền Đông Nam bộ.
Tại hội thảo, các đại biểu, đại diện lãnh đạo bộ, ngành đã tập trung thảo luận về tình hình quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, bảo vệ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị thời gian tới, Hội đồng Dân tộc nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện những nội dung chưa hoàn thành theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội và khắc phục những tồn tại, hạn chế mà báo cáo giám sát đã chỉ ra; phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra trong năm 2019.
Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát thông qua các hình thức chất vấn, giải trình đối với Chính phủ, các bộ, ngành về quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham mưu, đề xuất cho Quốc hội, Chính phủ phân bổ ngân sách từ Trung ương để xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường quản lý đất đai nói chung, đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường nói riêng trong năm 2019 – 2020. Cùng với đó đề nghị Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai tại các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường./.

>>> Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý đất đai trên cả nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục