Trâu đất vàng hối hả ra lò phục vụ Tết

11:36' - 26/01/2021
BNEWS Vào những ngày cận tết, làng nghề làm heo đất ở Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương lại hối hả cho ra lò những con heo đất, trâu đất cho kịp nhu cầu trong tết.

Trong những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, làng nghề làm heo đất ở Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vẫn đang bận rộn sản xuất liên tục những chú heo đủ sắc màu, nhiều mẫu mã để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày một tăng cao trong dịp Xuân mới đang về.

Lò nung của gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thanh nằm trong một con hẻm nhỏ của phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên. Vào những ngày cận tết, ông bà hối hả cho ra lò những con heo đất, trâu đất cho kịp nhu cầu trong tết.

Bà Thanh chia sẻ, gia đình bà làm nghề này được 30 năm, xung quanh con hẻm nhỏ này có khoảng hơn chục hộ làm nghề heo đất đều là người thân của ông bà. Mọi người truyền nhau lại nghề và làm heo đất bán quanh năm.

Sau khi mua đất về, đất được tẩy những kim loại nặng và hóa chất rồi trộn keo, xay nhuyễn thành bột sền sệt màu nâu thẫm rồi đổ vào từng khuôn tạo thành hình dạng heo, trâu, đô-rê-mon... Sau khi được phơi nắng, những sản phẩm này được đưa vào lò nung liên tục trong vòng 8 giờ để tạo ra thành phẩm.

Năm nay, chỉ trong dịp cận tết hai ông bà làm được khoảng 6.000 chú heo và trâu đất, gấp đôi những dịp bình thường trong năm. Mỗi chú heo, trâu bán giá từ 3.000 - 60.000 đồng, tháng tết gia đình ông bà Thanh lời được khoảng 10 triệu đồng, gấp đôi các tháng thường ngày.

Tuy nhiên, số lượng làm trâu đất năm nay không nhiều, ai đặt ông bà mới làm do lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như năm 2020, hình con chuột đất không bán được hàng, hàng tồn nhiều khiến thu nhập về không đủ tiền đầu tư, cả nhà ông phải đập bỏ hàng tồn.

Ông Phan Văn Hiệp ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên cho biết, số lượng heo dịp cận tết của nhà ông làm năm nay cũng được khoảng 7.000 con, chủ yếu cung cấp mặt hàng ra thị trường phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An để vẽ.

Ở làng nghề truyền thống Tân Phước Khánh chỉ làm số lượng nhỏ cung cấp trong địa bàn. Còn heo đất thô số lượng lớn xuất đi Lào, Campuchia, miền Trung chủ yếu tập trung ở khu vực Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên do khu vực này đất rộng, thuê nhân công ngoài và đầu tư quy mô.

Ông Hiệp cho biết thêm, do thổ nhưỡng của vùng đất này có hàm lượng cao lanh nhiều, rất phù hợp với nghề đất nung. Ngoài ra, những năm gần đây, người dân đều có xu hướng không dùng đồ nhựa bảo vệ môi trường, tìm lại về bản sắc ngày xưa cũ nên những chú heo đất vẫn có chỗ đứng vững trên thị trường và ngày càng được ưa chuộng.

Do việc nung heo đất thủ công ảnh hưởng tới môi trường, nên những làng heo đất ở Lái Thiêu, thành phố Thuận An những năm gần đây đã cho dừng hoạt động các lò nung, hiện chỉ còn hơn 20 hộ duy trì nghề vẽ heo. Những sản phẩm heo đất thô chủ yếu nhập từ xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên về Lái Thiêu để gia công khâu cuối là vẽ, sơn heo, sau đó giao lại cho thương lái tìm thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ cơ sở làm heo đất tại Lái Thiêu nói, khoảng cuối năm ông nhập riêng gà đất thô khoảng 3.000 con. Giá heo và trâu thô từ 10.000 -30.000 đồng/con, sơn phết và tìm mối bán ra thị trường mỗi con lời vài nghìn đến vài chục nghìn đồng tùy hình dáng, kích thước.

Từ đầu tháng Chạp đến nay, gia đình ông nhận được rất nhiều đơn hàng từ khắp mọi nơi. Để đủ lượng hàng cung cấp cho khách, ông Hậu phải tuyển thêm 6 nhân công làm công đoạn chà nhám, sơn vẽ.

Bình quân một lao động sống với nghề làm heo đất mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 - 120.000 đồng/12 giờ lao động.

Một con heo đất sau khi hoàn thành tất cả các khâu thì bán ra thị trường với đồng trừ các khoản chi phí người lao động lời không nhiều. Tuy nhiên, đây là nghề truyền thống của gia đình cần phải lưu giữ, chứ rất ít ai xác định đây là một nghề để phất lên làm giàu, ông Hậu chia sẻ./. 

>>Tái hiện các làng nghề bánh tráng phơi sương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục