Trẻ em mắc COVID-19 khi sốt nên dùng thuốc gì?

15:48' - 24/02/2022
BNEWS Thời gian này, số lượng trẻ mắc COVID-19 và phải điều trị gia tăng do nhiều gia đình có người lớn mắc COVID-19 thì trẻ em cũng dễ bị lây, trong đó triệu chứng thường gặp nhất là trẻ sốt.

Nhiều gia đình vì quá lo lắng và nóng ruột nên đã lên mạng để tìm các bài thuốc, hạ sốt, xông mũi, họng, thực phẩm chức năng... để điều trị cho con. Đây là hiện tượng khá phổ biến, nhưng việc lạm dụng những phương thức chữa bệnh trên để điều trị COVID-19 cho trẻ sẽ gây nhiều nguy cơ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu trẻ mắc bệnh thể nhẹ thì cho trẻ theo dõi, điều trị tại nhà. Chỉ khi trẻ có các biểu hiện sốt cao liên tục không giảm, khó thở, cần đưa ngay đến cơ sở y tế.

Do vậy, khi điều trị cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà, cha mẹ nên lưu ý những điều này khi cho con dùng thuốc hạ sốt dưới đây:

Bất kỳ khi nào bạn nghi ngờ trẻ ốm, bao gồm: Thấy trẻ mệt, ăn kém, ít chơi, quấy khóc, khi trẻ bị ho, nôn trớ, tiêu chảy hoặc khi bạn thấy chân, tay trẻ lạnh, trán nóng…

Có thể dùng nhiệt kế thủy ngân hoặc nhiệt kế điện tử đều được. Nhiệt kế thủy ngân rẻ, dễ mua nhưng dễ vỡ, có thể gây ngộ độc thủy ngân. Nhiệt kế điện tử đắt hơn, dễ dùng, nhanh, an toàn.

Khi nào phải cho trẻ bị sốt đi khám?

  • Trẻ dưới 3 tháng mà có sốt thì cần đưa đi khám ngay.
  • Trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi sốt từ 39 độ C trở lên.
  • Trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi sốt dưới 39 độ C nhưng kéo dài hơn ba ngày hoặc dưới 3 ngày nhưng trẻ mệt.
  • Trẻ em ở mọi lứa tuổi có sốt từ 40 độ C.
  • Trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào sốt kèm theo rét run, co giật, li bì, nôn nhiều, đau đầu…
  • Trẻ bị sốt, hết sốt rồi sốt lại trong vòng 1 tuần.
  • Trẻ bị bệnh mạn tính như bệnh tim bẩm sinh, ung thư, bệnh thận …
  • Trẻ bị sốt mà có phát ban, đặc biệt là ban xuất hiện khi đang sốt.

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ như thế nào?

Cố gắng liên hệ một bác sĩ nhi khoa để được tư vấn.

Thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol hoặc ibuprofen... Đây là các loại thuốc hạ sốt an toàn nhất cho trẻ.

Cần lưu ý: Paracetamol có nhiều chế phẩm, nhiều dạng bào chế (hapacol, efferalgan, tynelon, doliprane…), nên cha mẹ nên nhớ khi đã dùng một loại thuốc có chứa paracetamol thì không dùng loại khác cũng chứa hoạt chất này. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như thành phần của thuốc để tránh quá liều.

Paracetamol có nhiều hàm lượng (80, 150, 250, 500), dễ tính toán để phù hợp với độ tuổi, cân nặng của trẻ. Liều lượng hạ sốt của paracetamol cần được tính: 10-15mg/kg cân nặng/lần. Lần sau cách lần trước trên 4 tiếng.

Ibuprofen cũng là thuốc hạ sốt an toàn cho trẻ và có nhiều chế phẩm (sotstop, nurofen, brufen…). Ibuprofen thường loại lọ 20mg/ml, liều dùng của ibuprofen được tính 10mg/kg cân nặng/lần. Lần sau cách lần trước trên 6 tiếng.

Riêng với ibuprofen, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng loại này cho trẻ. Nếu có nghi ngờ trẻ sốt xuất huyết (hoặc nằm trong vùng dịch sốt xuất huyết) thì không dùng loại này để hạ sốt.

“Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” mới nhất do Bộ Y tế ban hành nêu rõ, đối với người lớn, nếu có triệu chứng sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, bệnh nhân có thể uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 500mg. Có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên. Uống thêm Oresol nếu ăn kém/giảm hoặc dùng uống thay nước.

Đối với trẻ em sốt trên 38,5 độ C, Bộ Y tế hướng dẫn cho bé uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần.

Nếu dùng thuốc hạ sốt 2 lần nhưng không đỡ, yêu cầu người bệnh thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục