Trị bệnh “nhờn thuốc” vi phạm hành lang an toàn giao thông trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai

17:21' - 18/03/2021
BNEWS Sau gần 7 năm đưa vào khai thác, trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hành lang an toàn giao thông hai bên đường thường xuyên bị lấn chiếm.

Sau khi dư luận có ý kiến về hành vi tháo hộ lan trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai để mở đường vào quán ăn, Bộ Giao thông Vận tải đã có chỉ đạo khẩn để giải quyết vấn đề này. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, đây chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, còn nếu muốn giải quyết tận gốc cần có giải pháp đủ mạnh; trong đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức phải thể hiện quyết tâm cao nhất.

Sau gần 7 năm đưa vào khai thác, trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hành lang an toàn giao thông hai bên đường thường xuyên bị lấn chiếm. Nhức nhối nhất là hàng quán ở nhiều địa điểm mọc ngay sát đường cao tốc, thậm chí tháo cả hộ lan để phương tiện ra vào. Cùng với đó, hàng dài xe dừng đỗ trái phép ở lòng đường gây nguy hiểm cho các phương tiện khác lưu thông trên tuyến.

Những ngày đầu năm 2021, sau khi báo chí phản ánh và cơ quan chức năng vào cuộc, đến thời điểm này tình trạng người dân cố tình tháo dỡ trái phép hộ lan tôn sóng để kinh doanh quán cơm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã tạm thời được kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng vẫn có nguy cơ tái phát vi phạm khi cơ quan chức năng thiếu quyết liệt.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc người dân ngang nhiên tháo hộ lan của tuyến cao tốc là vi phạm pháp luật và gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc chưa hoàn chỉnh nên một số đoạn thiếu đường gom. Một số đoạn có đường gom nhưng chưa đảm bảo độ dốc cho người dân đi lại.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giao Cục Quản lý đường bộ I phối hợp với địa phương rà soát lại toàn bộ hệ thống đường gom, kết nối đường gom với hầm chui dân sinh báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải để xử lý dứt điểm, kiên quyết đóng tất cả các điểm hộ lan bị tháo để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với các đối tượng cố tình phá dải phân cách, kiến nghị chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, hiện cả nước mới có 1.200 km cao tốc nhưng 5 năm nữa dự kiến có khoảng 5.000km, vì thế việc quản lý, đảm bảo hành lang an toàn giao thông rất quan trọng.

Đánh giá việc giải quyết căn cơ không phải là đóng hộ lan, người đứng đầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, địa phương phải quyết liệt giải tán hành lang, kinh doanh trái phép hai bên đường; việc dừng, đỗ vào hàng quán của các lái xe cũng phải được xử nghiêm.

Tình trạng tháo dỡ hộ lan gây nguy cơ mất an toàn giao thông cũng từng xảy ra trên cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Nhưng thay vì tháo để làm quán cơm thì các lái xe tháo hộ lan để làm nơi quay đầu.

Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho biết, đơn vị nhiều lần tổ chức hàn đóng lại những điểm tháo mở. Nhưng, cứ hàn xong lại tiếp tục bị tháo mở, tập trung chủ yếu tại các lý trình (Km181 Km182, Km190, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái).

Ông Uông Huy Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) – đơn vị đang quản lý một nửa số km cao tốc Nội Bài – Lào Cai chia sẻ, riêng năm 2020, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tỉnh Yên Bái xử lý giải tỏa trên 10 hộ kinh doanh xây dựng quán kinh doanh trong phạm vi hành lang an toàn giao thông của cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tuy nhiên, ông Uông Huy Hoàng cho rằng, trên tuyến Nội Bài - Lào Cai nhiều diện tích đất nông nghiệp, thậm chí có cả đất thổ cư mặc dù nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông của tuyến đường nhưng lại nằm ngoài biên giải phóng mặt bằng (chưa trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân) nên rất khó xử lý.

Ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ I đánh giá, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông trên tuyến Nội Bài - Lào Cai, các hộ dân đã đóng cửa quán kinh doanh và cam kết không mở lại nhưng khi không có lực lượng chức năng, họ lại mở trộm bằng cách tháo các ốc nối giữa các đoạn của hộ lan để kinh doanh, cho xe của khách hàng vào quán sau đó đóng lại. Ở đây không phải là cắt hộ lan mà chỉ là tháo ốc nối giữa các thanh hộ lan tôn sóng.

Còn theo ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Luật Giao thông đường bộ đã có quy định việc quản lý hành lang đường bộ trước hết là thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý tuyến đường.

Đánh giá về các chế tài xử lý vi phạm an toàn giao thông đường bộ, ông Vũ Ngọc Lăng cho rằng, hiện nay các chế tài xử lý đã khá đầy đủ và cũng khá nặng. Tuy nhiên, để đảm bảo nghiêm minh của pháp luật các cơ quan chức năng cần làm mạnh tay hơn nữa. Cụ thể, đối với hành vi vi phạm nhiều lần có thể kiến nghị xử lý hình sự mới đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa.

Đại diện Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC (chủ đầu tư cao tốc Nội Bài - Lào Cai) kiến nghị, các địa phương có đường cao tốc đi qua cần quyết liệt trong việc giải tỏa các hộ kinh doanh trái phép hai bên đường để bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần xử lý kịp thời, kiên quyết đối với phương tiện dừng, đỗ trái phép vào sử dụng dịch vụ trong hàng quán, tạo tính răn đe, ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn.

Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc Công ty Luật An Viên (ANVLaw) cho rằng, những trường hợp cố tình tháo hộ lan, nếu thu thập đầy đủ chứng cứ phải xử lý với hành vi phá hoại tài sản quốc gia. Việc đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc sửa chữa lại vị trí hành lang bị xâm phạm là cần thiết; tuy nhiên, giải pháp căn cơ là kiên quyết giải tán tình trạng kinh doanh trái phép, xử phạt nghiêm với lái xe dừng đỗ phương tiện trên đường cao tốc. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho lái xe về các điểm dừng nghỉ được bố trí trên tuyến, vừa bảo đảm cung cấp dịch vụ, vừa không ảnh hưởng đến an toàn của các phương tiện khác.

Một chuyên gia pháp lý cho biết, khi đã có hành lang pháp lý rõ ràng như vậy nhưng vi phạm vẫn liên tục tái diễn có một phần trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật. Muốn chấm dứt tình trạng này phải thượng tôn pháp luật, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, có như thế mới đủ sức răn đe.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc không thuận tiện, mà cụ thể là không có đường gom. Điều này khiến người dân không có thêm sự lựa chọn để đi lại, dẫn đến tình trạng phá hộ lan để làm lối đi.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các tuyến cao tốc do VEC quản lý, các công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, VEC và các đơn vị quản lý cao tốc phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra rà soát tổng thể và xử lý ngay các trường hợp phá rào tôn sóng, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, gây mất trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên tất cả các tuyến cao tốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục