Triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng

17:23' - 19/08/2022
BNEWS Ngày 19/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phát động Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đồng thời, triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Bước đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn cây thanh long để thí điểm triển khai.

 
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc hoàn thành, đưa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng vào khai thác tiếp sau hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực lớn của ngành trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Qua đây, nhằm thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 4,8 triệu ha diện tích cây lâu năm; trong đó, cây ăn quả 1,17 triệu ha; cây công nghiệp 2,2 triệu ha; lúa 3,9 triệu ha; thanh long gần 64,2 nghìn ha… Những năm qua, với  những chính sách, bước đi đúng, cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt đã đạt được những thành tựu to lớn.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản. Đồng thời, tạo nên lợi thế và mũi nhọn chiến lược, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân trong nước. Từ đó, vừa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang hình thành vùng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, các hợp tác xã với nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm… Nhiều vùng đã được cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản, như: lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, chanh leo ở Tây Nguyên; thanh long ở Bình Thuận; nhãn, vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La…

Tuy nhiên, việc triển khai cấp mã số vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường; nhất là trước nhu cầu đỏi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản.

Thực tế này, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số lĩnh vực trồng trọt. Trước mắt, ngành sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long, lúa gạo cùng một số cây trồng chủ lực khác để kết nối, nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường và người tiêu dùng. 

“Việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cập, quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc “Định danh nông sản Việt”, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hi vọng, hệ thống tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điển hình như: theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác...

Đối với cơ quan quản lý, hệ thống sẽ hỗ trợ trực tiếp chỉ đạo sản xuất một cách nhanh chóng, kịp thời.

Tới thời điểm này, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cập, quản lý mã số vùng trồng đã được xây dựng trên phiên bản website và ứng dụng điện thoại với các phân hệ dành cho cơ quan quản lý, cán bộ xác minh và người dân đăng ký.

Cập nhật dữ liệu trực tiếp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng vừa chính thức đưa vào sử dụng, tại đầu cầu trực tuyến ở tỉnh Bình Thuận, ông Hà Tấn Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần Bang Bình - một trong những doanh nghiệp trồng thanh long có quy mô khoảng 900 ha, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 200 ha, với sản lượng dự kiến 14.000 tấn đánh giá, bước đầu đăng ký mã số cũng có khá nhiều thông tin nên cũng mất khoảng thời gian. Nhưng cung cấp càng nhiều thông tin trên cơ sở dữ liệu càng có lợi cho doanh nghiệp sau này.

Theo ông Hà Tấn Khoa, khách hàng hiện nay cũng chú trọng vấn đề về chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Khi doanh nghiệp đăng ký được mã số vùng trồng thì khách hàng sẽ truy xuất được nguồn gốc, khi đó họ sẽ yên tâm mua sản phẩm.

Tại buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động phong trào thi đua "Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết liệt chỉ đạo việc triển khai thực hiện xây dựng hệ thống nền tảng số của  ngành, như: hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; hệ thống cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng… nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục