Triển khai hoá đơn điện tử tại cửa hàng xăng dầu: Petrolimex và PVOIL đã về đích

14:53' - 02/04/2024
BNEWS Tính đến ngày 2/4, toàn bộ các cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã "về đích" trong việc triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.
*Hoàn thành mục tiêu nhờ chủ động đầu tư

Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Lưu Văn Tuyển cho biết, từ ngày 1/7/2023, Petrolimex đã chính thức triển khai  hóa đơn điện tử từng lần bán hàng trên toàn bộ 2.700 cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc, sử dụng công nghệ tự động, không có sự can thiệp của con người, số liệu chính xác minh bạch để đảm bảo cung cấp hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần bán hàng cho khách hàng.

Từ 1/7/2023 đến thời điểm này, Petrolimex đã xuất hơn 700 triệu hóa đơn giá trị gia tăng theo từng lần bán hàng theo tinh thần Nghị định 123/NĐ-CP Quy định về hoá đơn chứng từ của Chính phủ. Về phía Petrolimex, từ 1/9/2023, để tăng tính minh bạch, trên mỗi hóa đơn bán hàng, Petrolimex đều có biển số xe của các cá nhân đi ô tô vào cửa hàng xăng dầu của Petrolimex.

 

Ông Lưu Văn Tuyển cũng cho biết, với các cửa hàng nhượng quyền hoặc các đại lý, Petrolimex cũng có chính sách hỗ trợ về mặt công nghệ và thiết bị đồng thời tư vấn, hướng dẫn các đơn vị này lắp đặt thiết bị để triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. 

Cũng theo ông Lưu Văn Tuyển, với nhu cầu quản trị nội tại của Petrolimex nên Petrolimex đã đầu tư hệ thống phần mềm và công nghệ, đặc biệt là cột bơm điện tử từ năm 2014. Đặc biệt khi thực hiện Thông tư 15 năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến in chứng từ bán hàng tại cột bơm, Petrolimex đã triển khai đồng bộ các giải pháp về phần mềm, công nghệ, kết nối để lưu giữ toàn bộ dữ liệu tại cột bơm xăng dầu. Khi thực hiện Nghị định 123 của Chính phủ, Petrolimex đã có sẵn hệ thống công nghệ giải pháp phần mềm để thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Vì vậy, mặc dù triển khai đồng bộ tại hơn 2.700 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống, Petrolimex chỉ mất thêm hơn 2 tỷ đồng trong giai đoạn này.

Là doanh nghiệp có thị phần bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam, đại diện của PVOIL cho biết, ngay từ tháng 7/2019, PVOIL đã  chính thức vận hành hệ thống quản lý và phát hành hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính để thay thế cho việc phát hóa đơn bằng giấy truyền thống. Từ tháng 6/2022, PVOIL hoàn thành bổ sung, sửa đổi chức năng phần mềm và thực hiện kết nối truyền dữ liệu trực tiếp với cơ quan thuế đáp ứng theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021.

Hiện PVOIL có 786 cửa hàng xăng dầu trực thuộc phủ rộng khắp cả nước đang được 19 đơn vị thành viên quản lý, vận hành khai thác. Hầu hết các cửa hàng xăng dầu này được PVOIL phát triển thông qua việc mua lại hoặc thuê dài hạn là các cửa hàng xăng dầu đang hoạt động trên thị trường nên các cột bơm xăng dầu đều có tình trạng kỹ thuật cũ, lạc hậu, không đồng bộ và phải thay thế, nâng cấp.

Với sự nỗ lực đầu tư, đến nay tất cả 786/786 cửa hàng xăng dầu trực thuộc của PVOIL đã thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với Cơ quan thuế.

*Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục thuế, tính đến ngày 28/3, toàn quốc đã có 15.762 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt khoảng 98,9% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Để chủ trương hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đi vào cuộc sống, bên cạnh sự chủ động, tự giác của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhà nước cần có chế tài cụ thể để tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải thực hiện. Theo đó, cơ quan quản lý cần bổ sung quy định triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại cửa hàng xăng dầu là một trong các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu, ông Lưu Văn Tuyển đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng cho biết nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì buộc phải tạm dừng hoạt động, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo lộ trình, nhất là với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa với hạ tầng internet còn hạn chế.

Bên cạnh đó, số lượng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu là rất lớn. Tại Petrolimex, số lượng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng ước khoảng 1 tỷ hóa đơn/năm nên chi phí cũng rất lớn. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp các giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử từng lần bán hàng hiện có các đơn giá khác nhau, do vậy cũng ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.  Vì vậy Nhà nước cần có quy định về định mức tối đa để các đơn vị này cùng đồng hành hỗ trợ các đơn vị kinh doanh xăng dầu, ông Lưu Văn Tuyển đề xuất.

Ở góc độ người tiêu dùng, khảo sát tại nhiều cửa hàng xăng dầu cho thấy, hiện chủ yếu chỉ có các khách hàng là doanh nghiệp sử dụng ô tô mới quan tâm lấy hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, còn hầu hết khách hàng cá nhân, nhất là chủ phương tiện xe máy thường không yêu cầu lấy hóa đơn.

Đại diện cửa hàng xăng dầu số 84 Petrolimex tại Vinhomes Long Biên (Hà Nội) cho biết, từ khi triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đến nay, chủ yếu chỉ có khách đi ô tô là yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng, còn hầu hết không yêu cầu xuất hóa đơn. Tuy vậy, ngay cả khi khách không lấy hóa đơn thì hóa đơn (không có tên khách hàng) vẫn được tự động lưu trên hệ thống và được gửi về Tổng cục Thuế trong ngày.

Anh Tuấn, một khách hàng mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 84 (Long Biên-Hà Nội) thường xuyên yêu cầu nhân viên bán hàng xuất hóa đơn bởi việc lấy hóa đơn rất tiện lợi, chỉ cần cung cấp mã số thuế, email hoặc zalo là có thể tự tra cứu rất nhanh. Việc lấy hóa đơn như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi khách hàng, nhất là trong trường hợp cần khiếu nại về chất lượng hàng hóa cũng như giúp quản lý chi tiêu đi lại cá nhân.

Trong khi đó, một khách hàng hàng đi xe máy vào đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu của PVOIL ở (Thái Thịnh) lại cho biết không có nhu cầu lấy hóa đơn điện tử vì mỗi tuần cũng chỉ đổ xăng 1 lần đầy bình với số tiền không biến động nhiều, chất lượng xăng của cây xăng nhà nước ổn định, đo đếm đảm bảo. Ngoài ra, khách hàng này cũng không dùng điện thoại thông minh, không dùng email và zalo nên cũng không muốn lấy hóa đơn điện tử.

Vì vậy, để chủ trương hóa đơn điện tử này thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự giám sát của các cơ quan quản lý thuế, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích người tiêu dùng đồng hành trong việc yêu cầu tất cả các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải cung cấp hóa đơn điện tử. Theo đó, chính sách khuyến khích có thể là quay thưởng như ngành thuế đang triển khai hoặc cho phép kê khai hóa đơn điện tử xăng dầu để trừ thuế thu nhập cá nhân…Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Lưu Văn Tuyển đề xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục